[Review] Train To Busan: Gay Cấn Từng Phút, Nghẹt Thở Từng Giây

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Không cần chờ năm sau xem World War Z 2, không cần ngóng The Walking Dead trên sóng truyền hình, dân châu Á đã có thể xem xác sống ngay tại rạp nhờ phim mới Train To Busan đến từ xứ sở kim chi.

Train To Busan bắt đầu như bao câu chuyện bình thường khác. Một người cha bận rộn phải đưa con gái về Busan thăm người vợ đã ly dị nhân dịp sinh nhật cô bé. Một buổi sáng bình thường, một chuyến tàu cao tốc tưởng như bao chuyến tàu khác. Dù những dự báo đã được rải khắp đầu phim, thế nhưng khó ai ngờ mọi thứ lại trở nên dữ dội và khốc liệt đến vậy. Chuyến đi đến Busan lại trở thành chuyến đi định mệnh, những hành khách phải đấu tranh giành lấy sự sống. Phá vỡ giới hạn cùng luân lý.

Là một đạo diễn trẻ, chưa tròn 40 tuổi,  Yeon Sang Ho có trong tay 4 bộ phim làm vốn và kha khá giải thưởng tại Hàn Quốc. Thế nhưng, thế mạnh của anh vốn là ở mảng hoạt hình và Train To Busan chính là lần đầu tiên Yeon thử sức với những con người thực sự, với thế giới điện ảnh thực sự.

Giữ vai trò đạo diễn, vừa kiêm luôn vai trò đồng biên kịch, thành công của Train To Busan ghi dấu ấn rất rõ của Yeon Sang Ho. Ngược lại, bộ phim cũng chính là cột mốc nâng tầm tên tuổi của anh lên hàng đạo diễn được săn đón tại Hàn Quốc.

Nhờ người đàn ông này, lần đầu tiên, Hàn Quốc có zombie. Không phải vài thây ma, xác sống, cương thi ta từng nhìn thấy trong nhiều phim Trung Quốc, thế giới zombie của Train To Busan đông như kiến, tàn bạo, hấp dẫn, hỗn loạn với những tiếng gào thét khiến bất cứ ai yếu ớt phải ôm tim. Một thế giới sống động như thật!

Điểm thành công nhất của Train To Busan là xây dựng một chuyến tàu vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Góc quay kịch tính, âm thanh vô cùng sống động cùng những thây ma xác sống ồ ạt dồn dập liên hồi như thác lũ. Dù có phần khiến người xem liên tưởng đến World War Z , Train To Busan vẫn có những điểm riêng đáng khen. Đặc biệt, khâu hóa trang với những gương mặt đầy ghê sợ có phần lấn át “người anh em” Hollywood.

Giữ vai trò cầm trịch chính cho cả mạch truyện là nam diễn viên sinh năm 1979 – Gong Yoo. Đạt được thành công rực rỡ ở mảng truyền hình Hàn Quốc với drama nổi tiếng khắp châu Á Coffee Prince, sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, Gong Yoo ngày càng tập trung vào mảng điện ảnh. Train To Busan thành công vang dội  sẽ là tác phẩm “đinh” tiếp theo của Gong Yoo sau  Silenced năm 2011. Vai diễn người cha có tâm lý phức tạp, tuy ích kỷ nhưng vẫn thương con sâu sắc, sẵn sàng hy sinh hết mình vì cô con gái bé nhỏ được Gong Yoo thể hiện khá tốt.  Khuyết điểm duy nhất không phải ở anh mà do chính nhân vật Seok Woo. Người đàn ông này khá yếu đuối và thiếu quyết đoán, đôi lúc trở nên mờ nhạt, nhất là khi ở bên cạnh anh chàng Sang-Hwa quá dũng mãnh.

Mang hai quốc tịch Mỹ - Hàn, Ma Dong Seok có hình thể cao lớn, mạnh mẽ, cùng vẻ từng trải rắn rỏi. Anh từng là một võ sĩ và huấn luyện viên trước khi trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Nét diễn chân phương, không màu mè hoa mỹ của Ma Dong Seok dễ dàng đi vào lòng người. Chỉ có đất diễn xếp hàng thứ trong dàn nhân vật chính, thế nhưng Sang Hwa của anh có thể coi điểm sáng nhất phim. Tính cách trượng nghĩa cùng lòng dũng cảm và tình yêu sâu sắc Sang Hwa dành cho vợ cùng đứa con gái bé bỏng chưa ra đời để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem.

Người phụ nữ kiên cường nhất của chuyến tàu tới Busan – Sung Gyeong do nữ diễn viên thực lực Jung Yoo Mi thể hiện. Tham gia hơn 20 bộ phim điện ảnh suốt từ năm 2005 đến nay, dù chưa phải là một tên tuổi hạng A, Jung Yoo Mi vẫn ghi dấu ấn không nhỏ trong lòng những người yêu điện ảnh Hàn Quốc. Sung Gyeong vừa dữ dội vừa dịu dàng, với tinh thần vững vàng cùng trí tuệ nổi bật xứng đáng là một trong những nhân vật được khán giả yêu mến nhất phim. Train To Busan lần này cũng là cơ hội tái hợp của Jung Yoo Mi với bạn diễn Gong Yoo sau bộ phim kinh điển Silenced.

Dĩ nhiên, một bộ phim về đề tài thảm họa sẽ luôn có một kẻ xấu xuyên suốt để đẩy cảm xúc của người xem lên đến đỉnh điểm. Đảm nhận vai diễn gây… ức chế xuyên suốt bộ phim - nhân vật đại diện cho tất cả bản tính xấu xa của loài người trên chuyến tàu sinh tử đến Busan là nam diễn viên kỳ cựu Kim Eui Sung. Với gia tài điện ảnh đồ sộ gần 30 bộ phim, Kim Eui Sung đã lột tả tài tình Yong Suk – người đàn ông có quyền thế, đầu óc, đầy thủ đoạn và có nhân cách mạt hạng đến kinh người. Tuy nhiên, chi tiết nhân văn để khán giả dành chút thương cảm cho người đàn ông này lại chưa đủ và có phần kiên cưỡng.

Các nhân vật phụ còn lại của Train To Busan cũng ghi dấu ấn những khoảnh khắc khiến khán giả nhớ mãi.

Là đứa trẻ duy nhất trên chuyến tàu sinh tử, dù diễn xuất còn non nớt, Kim Soo Ahn lột tả khá tốt nhân vật của mình – một vai diễn mang tính chất chìa khóa xuyên suốt bộ phim. Cựu idol quốc dân- cô nàng “bánh bao” So Hee cũng dần lột xác khỏi lớp vỏ “thần tượng đóng phim” còn anh chàng quen diễn vai phụ Choi Woo Sik hẳn sẽ có nhiều cơ hội hơn sau diễn xuất ấn tượng trong phim.

Ngoài ra, những ai tinh ý hẳn sẽ nhận ra cô nàng nổi tiếng của phim hay Miss Granny (bộ phim được chuyển thể thành phiên bản phim chiếu rạp tại Việt Nam với tựa đề Em Là Bà Nội Của Anh) Shim Eun Kyung trong một vai cameo vô cùng quan trọng – kẻ đã đem virus Zombie lên chuyến tàu.

Cốt truyện của Train To Busan được xây dựng tốt, có những nét cảm xúc chấm phá. Tuy nhiên, vì bộ phim thuộc thể loại hành động ly kỳ chứ không phải tâm lý nên những nét tính cách con người được khai thác còn thiếu tự nhiên. Không rõ là phải cắt cảnh vì yêu cầu của việc kiểm duyệt hay lối tư duy quen làm phim hoạt hình của Yeon Sang Ho mà vài đoạn trong phim bị cắt cảnh gượng gạo, không logic.

Không những nhận được nhiều lời khen từ thị trường và những nhà phê bình quốc tế, Train To Busan còn trở thành phim hay siêu hot của Hàn Quốc khi đạt 10 triệu người xem chỉ trong 3 tuần. Với Train To Busan, Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung đã chứng minh được rằng, những bộ phim hành động kịch tính cùng những kỹ xảo dồn dập sống động – đã không còn là độc quyền đặc biệt của Hollywood hay giới điện ảnh Âu-Mỹ.

Bài viết liên quan

Bình luận phim