[Review] Star Wars The Force Awakens: Thần Lực Của Hoài Niệm

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

J. J Abrams được sinh ra để làm Star Wars. Ông nhiều lần bày tỏ tình yêu đến loạt phim kinh điển của George Lucas, vốn dẫn lối bản thân đến niềm đam mê điện ảnh. Ông thực hiện hai phần Star Trek với âm hưởng của Star Wars, và đôi lúc, cố biến chúng thành thế giới Star Wars. Không có gì ngạc nhiên khi ông được chọn cho The Force Awakens, như thể định mệnh đã chạm đến Luke Skywalker gần 40 năm trước.

Ở Mỹ, Star Wars còn hơn cả hiện tượng điện ảnh. Nó là hiện tượng lịch sử, và từ màn ảnh đi vào cuộc sống một cách sống động. Nó nghiễm nhiên trở thành một phần văn hóa đại chúng Mỹ và thế giới. Nếu phải so sánh, Star Wars gần giống như Tây Du Ký của Trung Quốc. Quá trình sản xuất cũng có thể được làm thành một bộ phim: George Lucas và đoàn phim phải vượt qua vô vàn khó khăn về kinh phí, hạn chế kỹ thuật, và áp lực của việc vượt qua những giới hạn trong điện ảnh, để hoàn thành. Star Wars được nhiều người xem là bộ phim đã mở ra thời kỳ điện ảnh hiện đại.

Không phải ngẫu nhiên mà phần 7 The Force Awakens được đánh giá sẽ là phần phim thành công nhất, có thể không chỉ của loạt phim mà là mọi thời đại, về doanh thu. Nó có một vị trí vô cùng đặc biệt: là lời tạm biệt đến vũ trụ và các nhân vật mà George Lucas đã sáng tạo nên. Nó khép lại một chương bi tráng kéo dài 40 năm về hành trình của Luke Skywalker, Han Solo, công chúa Leia… chống lại Mặt Tối của Thần Lực, để mở ra một chương mới, câu chuyện mới, những nhân vật mới. Vũ trụ của Star Wars sẽ tiếp diễn, giống như cuộc đời thật của chúng ta. George Lucas đã chia tay loạt phim vào năm 2005 với Revenge Of The Sith, và giờ là những nhân vật khác. Với người Mỹ, The Force Awakens không phải chỉ là hoài niệm, mà là cơ hội để soi chiếu lại chính cuộc đời họ, qua một mảnh đầy biến động của lịch sử, với chiến tranh Việt Nam (được George Lucas tái hiện một phần trong A New Hope), với chiến tranh lạnh, với những thay đổi chóng mặt  về kinh tế, kỹ thuật, chính trị, kể cả điện ảnh. Họ đã lớn lên, trưởng thành, già đi, với Star Wars.

Vì thế, khi Harrison Ford, với gương mặt già nua nhưng khí chất của Han Solo thì không thể nhầm lẫn, xuất hiện cùng Chewbacca, và nói “Chúng ta đã về nhà rồi!”, đó là lúc Awakens đã chiến thắng.  Bằng sự trân trọng và tình yêu của một cậu bé dành cho các người hùng, J. J. Abrams, đạo diễn và đồng biên kịch cùng với Michael Arndt và biên kịch gốc Lawrence Kasdan, người đã viết nên 2 phần phim được đánh giá xuất sắc nhất trong loạt là The Empire Strikes Back (1980) và Return Of The Jedi (1983), tất nhiên, cùng với nhà soạn nhạc huyền thoại John Williams, họ đã cùng viết nên một bản tổng kết, một khúc ca hào hùng đầy gợi nhớ, nhắc nhở người xem về lý do vì sao họ yêu loạt phim này.

Chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều quen thuộc, một cách cố ý. Vùng đất sa mạc trải dài ở hành tinh Jakku giống như nơi ở đầu tiên của Luke hành tinh Tatooine. Một con robot BB8 đáng yêu, mang trong mình thông điệp quan trọng, tình cờ gặp gỡ Rey (Daisy Ridley), như cách R2-D2 từng gặp gỡ Luke. Chúng ta gặp một kẻ phản diện đeo mặt nạ và áo choàng, đã được giới thiệu như người kế thừa di nguyện của Darth Vader. Một phiên bản vũ khí mới của Death Star. Một mô típ cũ đã định hình nên mối quan hệ chính của loạt phim. Người viết sẽ không tiết lộ về nội dung cũng như cốt truyện, bởi dù với fan lâu năm của Star Wars, hay là một người mới tò mò muốn tìm hiểu, sẽ là tốt nhất khi họ đến với The Force Awakens với tâm trí trắng tinh. Và vì những người lỡ “spoiler” về Awakens trên mạng xã hội những ngày nay không có được kết quả tốt đẹp lắm.

Chỉ cần biết rằng, Awakens sẽ mang đến cho họ đúng điều họ đang chờ đợi, được khéo léo lồng ghép và kết nối giữa dàn diễn viên ở cả hai thế hệ, giữa không khí bi tráng cũ với kỹ xảo và tư duy điện ảnh hiện đại, giữa sự phấn khích ở các trường đoạn hành động bằng phi thuyền hay gươm ánh sáng và giây phút hoài niệm khi gặp lại các nhân vật cũ, và biết được số phận của họ. Mặt khác, Awakens là một phim hành động giải trí tuyệt vời, tươi trẻ và giàu sức sống bởi các nhân tố mới đều làm tốt công việc của họ. Daisy Ridley, bông hồng nước Anh với lối diễn xuất và ngoại hình hao hao giống Keira Knightley, mang đến nguồn năng lượng như Keira từng có trước kia khi khởi đầu loại Pirates Of Carribeans. Cô thú vị và lôi cuốn một cách tự nhiên. Cô có trong mình tố chất để trở thành cả Luke lẫn Han Solo, mở ra vô vàn hướng phát triển cho những phần tiếp theo. Nam diễn viên da màu đầu tiên trong loạt phim John Boyega là cây hài chính, liên hệ rất tốt với Ridley để trở thành cặp đôi ăn ý. Ở phe đối lập, khi Adam Driver thật sự mang đến hình ảnh của  Anakin Skywalker thời còn trẻ, không phải ở ngoài hình mà sâu thẳm bên trong, và có thể, là đi chung con đường của anh.

Không có gì để chê bai về cách J. J. Abrams xử lý mọi thứ của The Force Awakens, ông xây dựng mọi thứ từ lớp nền của Star Wars, và phát triển nó đúng hướng. Các hiệu ứng kỹ xảo được tiết chế vừa đủ, để người xem không thấy xa lạ, các màn “solo” gươm ánh sáng có được sự chân thực và đẹp mắt, và ông cũng biết cách để giải thích nội dung phim cho các khán giả mới, điều gần như là tiêu chuẩn của các phim nhiều phần tại Hollywood hiện nay. Điều quan trọng nhất, là Abrams cân bằng được giữa chất hoài niệm và sự tươi mới. Awakens không sa đà vào sự sến súa để chiều lòng nhiều thế hệ người Mỹ, mà vẫn giữ tư thế là phần kế tiếp, đặt được nền tảng vững chắc cho sự phát triển của vũ trụ Star Wars hoàn toàn mới sau này. Điểm yếu duy nhất, có lẽ chỉ ở phần âm nhạc. Không phải John Williams xuống phong độ, bởi ông vẫn làm rất xuất sắc. Chỉ là, sẽ có nhiều người mong chờ được nghe bản The Imperial March (hay Darth Vader’s Theme) được vang lên nhiều hơn. So với bản nhạc nền chính đã đi vào tiềm thức của khán giả thành phố với chương trình Thế Giới Điện Ảnh trên HTV7 quen thuộc nhiều năm trước.

The Force Awakens nhiều khả năng sẽ không thành công lắm ở Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ đạp đổ rất nhiều kỷ lục phòng vé quốc tế. Phim đã thu về nửa tỷ đôla chỉ sau tuần đầu công chiếu, và trở thành phim có mở màn thành công nhất mọi thời đại. Điều mà Disney/Lucasfilm chờ đợi là kỷ lục lớn nhất mà Avatar đã thiết lập năm 2009 la 2,8 tỉ đôla, hoàn toàn không nằm ngoài tầm tay. Thần Lực quá mạnh mẽ với bộ phim này, nhờ sự hoài niệm, nhưng rõ ràng, không thể phủ nhận chất lượng tác phẩm của J. J. Abrams. Và nó sẽ ở lại với Disney, cùng với sự khởi đầu cho một chương mới trong vũ trụ Star Wars và một thế hệ khán giả hoàn toàn mới, trong nhiều năm nữa. 

 

Bài viết liên quan

Bình luận phim