Do một số vấn đề ở khâu sản xuất, Trạng Tí phải chịu nhiều chỉ trích từ khi chưa ra rạp chiếu phim.
Ngoài kiện tụng về nguyên tác, Trạng Tí “hứng gạch” bởi hình tượng vai chính khác xa bản gốc. Fan có lý của họ nhưng nhà sản xuất có sai khi sáng tạo? Thế giới đã tồn tại nhiều ví dụ như Dragonball Evolution (2009) và Death Note (2017) hay sắp tới là live action The Little Mermaid. Việc nhân vật khác xa bản gốc chẳng phải điều hiếm thấy. Các phần sau bom tấn truyền hình Game Of Thrones, đặc biệt là mùa cuối đều được bộ đôi chế tác David Benioff và D.B. Weiss đi theo hướng riêng vì nguyên tác chưa kết thúc.
Nếu tạm bỏ qua hàng loạt tranh cãi ấy và xem Trạng Tí là một tác phẩm riêng biệt, đây là bộ phim có chất lượng.
Điểm cộng lớn nhất chính là bối cảnh. Quay tại Ninh Bình, Trạng Tí phô diễn trọn vẹn vùng đất cố đô. Những cánh đồng xanh mơn mởn, núi rừng hùng vĩ đẹp đẽ và ấn tượng. Tuy vài đoạn bị lộ phông xanh, tổng thể vẫn chấp nhận được.
Ekip sản xuất Studio68 đã tiến một bước dài về mặt CGI nếu so cùng Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Hãy quên đi con quái vật thường bị đem ra làm ví dụ cho kĩ xảo lỗi, Thần Hổ rất đẹp và sống động. Dù rằng, với khán giả Việt Nam quen xem phim Hollywood, hình ảnh này chưa mấy đặc sắc. Nếu chỉ xét trong phim Việt Nam, CGI Trạng Tí xứng đáng nhận tràng pháo tay tán thưởng.
Trạng Tí không chuyển thể Thần Đồng Đất Việt mà chỉ dựa trên bản gốc và sáng tạo. Nhiều câu chuyện ngắn thuộc nguyên tác được đưa lên phim và thay đổi thứ tự, tình tiết, thậm chí là đoạn kết. Dẫu biên kịch hơi tham lam, muốn nhồi nhét tất cả vào bộ phim 120 phút nhưng đáng khen ở việc biết làm mới. Ngay cả fan thuộc làu làu truyện tranh Thần Đồng Đất Việt vẫn sẽ cảm thấy bất ngờ khó đoán. Tuy vậy, khi cố gắng hệ thống các câu chuyện cho logic hơn, đôi chỗ lại làm không tới khiến có cảm giác đầu voi đuôi chuột.
Tham gia diễn xuất từ hồi mới 3 tháng tuổi, Huỳnh Hữu Khang vai Tí có bề dày kinh nghiệm đáng nể. Cậu bé từng góp mặt trong Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con, Hai Phượng, Bao Giờ Hết Ế. Xét theo ý đồ của đạo diễn và nhà sản xuất, Hữu Khang đã thể hiện trọn vẹn.
Tuy nhiên, quá mong muốn xây dựng cho Tí một hành trình dài, Studio68 vấp phải vấn đề lớn, trở thành điểm trừ rất rõ ràng. Vì muốn Tí theo hình tượng “from zero to hero”, nhà làm phim vô tình “dìm hàng” cậu bé “Văn Tinh Quân hạ phàm” so với Mẹo và Dần.
Mẹo có nhiều phân cảnh đắt giá như lúc bị cha và các mẹ quở trách vì chơi cùng Tí ở quán bà Tám Tiền hay đoạn cậu chàng bảo Dần không được tin người lạ. Cậu nhóc Đức Anh diễn rất ra Cả Mẹo bên ngoài gắt gỏng bẳn tính nhưng bên nội tâm hết lòng giúp đỡ bạn bè. Hãy nhớ rằng, cậu là nhà tài trợ chuyến đi.
Dần quá dễ thương, sở hữu cả những đức tính tốt của Tí bản truyện tranh. Trong sáng, thiện lương, pha chút sự ngây ngô rất “con nít”. Có thể nói Dần chiếm spotlight chứ không phải Tí. Bé Hoàng Long vào vai rất tốt và tự nhiên.
Tiểu Tị cũng là một điểm sáng. Cậu bé Hoàng Duy đã phô diễn màn đánh đấm tài ba, rất đỗi… Thích Tiểu Long. Lúc quay bình thường, bé diễn còn hơi cứng nhưng riêng ở phân đoạn võ thuật, cậu nhóc xứng đáng nhận điểm 10. Đặc biệt, so với nhiều phim khác bị rung lắc khi quay cảnh đánh đấm, ekip Trạng Tí tránh được điều này lại rất biết cách sử dụng góc máy để phô diễn nhiều kỹ thuật, càng giúp Tiểu Tị gây ấn tượng mạnh mẽ.
Bé Kim Thư vai Mùi là gương mặt quen thuộc với khán giả phim chiếu rạp. Cô bé từng là Nắng của mẹ Mưa trong 2 phần phim ăn khách cùng tên. Vốn là con nhà nòi gia tộc 6 đời theo nghiệp sân khấu – cải lương, Kim Thư diễn xuất sắc vai khó nhất dàn nhân vật nhí.
So với Mùi, Sửu dù là “nữ chính” lại mờ nhạt hơn hẳn. Cô bé chỉ là cái đuôi đi theo Tí, Dần, Mẹo mà không có lấy cảnh nào để lại dấu ấn. Đáng tiếc cho gương mặt sáng màn ảnh của bé Phan Bảo Tiên.
Dàn nhân vật người lớn sở hữu nhiều gương mặt kì cựu - nghệ sĩ Quang Thắng và nghệ sĩ Trung Anh. Các diễn viên thực lực Xuân Nghị, Hoàng Phi, Oanh Kiều… đều thể hiện tốt.
Ngoài ra, rất đáng tiếc khi Trạng Tí thiếu một bài hát mang tính viral cao ngang tầm Bống Bống Bang Bang ngày xưa trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể.
Chưa biết kế hoạch phát triển các phần Trạng Tí tiếp theo cũng như dự định làm vũ trụ cổ tích Việt Nam của Studio68 thế nào, Đền Thần Hổ đóng vai trò gì. Thế nhưng, ở Trạng Tí, ngôi đền còn ẩn chứa quá nhiều câu hỏi. Ngoài ra, tất cả đá, trừ viên dùng mở đền thì hoàn toàn vô dụng, không có bất kỳ ý nghĩa hay tác dụng nào ngoài việc khiến ekip Trạng Tí chịu búa rìu dư luận rằng học hỏi vũ trụ điện ảnh Marvel.
Trạng Tí bản phim chiếu rạp 2021 nhút nhát và chưa có bao nhiêu thời gian thể hiện khả năng xuất sắc giống Trạng Tí bản truyện tranh. Biết đâu, nếu khán giả cho bộ phim cơ hội, để Trạng Tí phát triển thành nhiều phim như bom tấn Twlight , chúng ta sẽ được gặp Tí đúng chuẩn Thần Đồng Đất Việt ở vài phần tiếp theo?