Buổi sáng ở nhà Mận, Thiều vừa ngủ dậy. Con bé nằm kế bên, một tay vòng qua gối ôm lấy cánh tay Thiều. Nó liếc nhìn gương mặt con bé, còn phảng phất nỗi buồn nhưng đã rạng lên dưới ánh mặt trời. Tiếng Piano nhẹ nhàng vang lên, trong trẻo như sương sớm. Thiều ngoảnh mặt lại nhìn Mận một lần nữa, rồi chạy ra về.
Ai đã từng đọc đoạn văn của Nguyễn Nhật Ánh miêu tả về cảnh phim này trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, hẳn sẽ cảm thấy được không khí ấy. Đạo diễn Victor Vũ đã mang trọn sự sáng trong của chút tình cảm sáng trong đầu đời ấy, từ ngôn ngữ viết sang ngôn ngữ hình ảnh một cách mượt mà. Không nhiều lời thoại, mà bằng những chi tiết gợi, bằng diễn xuất nét mặt của các diễn viên, bằng âm nhạc chạm đúng “nốt” của Christopher Wong, và bằng cái tình của người con xa quê. Đó cũng là điều anh cố gắng làm trong suốt bộ phim, đem đến đúng xúc cảm về câu chuyện trưởng thành đầy hoài niệm này.
Hoa Vàng kể lại câu chuyện tuổi thơ ở làng quê Việt nghèo, lấy thời điểm năm 1989. Hơi khác biệt với ý định ban đầu là cuối thập kỷ 70, bởi sẽ dễ dựng và chọn bối cảnh hơn, và gần gũi hơn. Thiều (Thịnh Vinh) và Tường (Trọng Khang) là hai anh em “đúng chuẩn” ngày xưa: một cao gầy, một mũm mĩm, lúc nào cũng chơi chung với nhau. Cảnh phim đầu tiên, chúng ta thấy Tường tỏ ra “người lớn” hơn khi nhường nhịn anh mình ở trò ném đá. Sau đó dù bị lừa vẫn không nổi giận, mà còn chịu hy sinh thay cho anh. Tường đại diện cho những gì đẹp nhất của một đứa trẻ, với lòng tốt không tì vết.
Thiều hoàn toàn ngược lại, nhỏ nhen và ích kỷ hơn. Một ai đó nhận xét từ quyển sách, không phải kẻ chuyển bắt nạt là thắng Sơn, mà Thiều mới là nhân vật phản diện chính. Có ý đúng nhưng không chính xác lắm bởi Thiều không hề “ác”. Em là đại diện cho những gì “thật” nhất của một đứa trẻ, ở độ tuổi ất ơ lớn chưa phải lớn nhỏ chẳng phải nhỏ. Lạ lùng là, phần đông chúng ta sẽ nhìn thấy chính mình ở Thiều nhiều hơn, chứ không phải Tường.
Thiều “cảm nắng” cô bé hàng xóm là Mận (Thanh Mỹ), và bối rối trước những rung động đầu đời. Một vụ hỏa hoạn đã đẩy cả nhà Mận vào chỗ khốn đốn, cô bé phải đến ở nhờ nhà Thiều. Thay vì thân thiết với bạn cùng lớp, Mận tỏ ra thích chơi với Tường hơn. Từ đó, những cảm xúc tiêu cực xuất hiện và ám ảnh Thiều, cuối cùng dẫn đến các hành động bộc phát sai trái.
Dễ dàng để thấy rằng, Hoa Vàng có cốt truyện tâm lý phức tạp hơn mặt bằng chung. Quyển sách của Nguyễn Nhật Ánh giảm bớt tính nghiêm trọng bằng lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm. Nhưng lên hình sẽ không có điều đó. Nhiệm vụ của Victor Vũ là vừa phải đảm bảo những chuyển biến tâm lý thật tinh tế và chân thực, vừa vẫn phải tạo ra không gian trẻ thơ ngây ngô, trong sáng. Làm sao để người xem hiểu được rằng, mặc cho những va chạm và tổn thương, không hề có những điều xấu xí ở những đứa trẻ, và tình yêu thương giữa chúng là vô điều kiện và đẹp đẽ.
Victor Vũ làm điều đó, trước hết bằng cách tái hiện lại ký ức làng quê của rất nhiều người thuộc thế hệ cũ, thế hệ của Nguyễn Nhật Ánh. Anh dành rất nhiều công sức cho các chi tiết bối cảnh, là chợ quê đông đúc, là đường làng quanh co, ruộng đồng xanh ngát... Nhiều người, đa phần là các nhà làm phim, sẽ hơi dị ứng với các cảnh fly cam, cho rằng hơi bị lạm dụng. Nhưng khán giả bình thường sẽ thấy ổn, bởi nó lấp đầy hồn họ bằng các khung cảnh từng có trong trí nhớ. Và cả những trò chơi con trẻ đã từng gắn liền với tuổi thơ. Có thể nói tuy là câu chuyện về trẻ con, nhưng Hoa Vàng không dành cho khán giả là trẻ con. Giống như chất truyện của Nguyễn Nhật Ánh, đây là phim dành cho người lớn từng là những đứa trẻ.
Bởi chỉ có họ mới hiểu được những hình ảnh thân thương xuất hiện trong phim. Hiểu mối tình quê lén lút của chú Đàn. Hiểu cái nghèo khó phải ăn cháo muối. Hiểu cái cảnh bị thầy nhéo tai đánh đòn, mà có người từng bảo là “bạo lực”. Hiểu cả cảm giác sợ hãi mà các câu chuyện ma quỷ thôn quê mang lại. Đứa trẻ nào chưa từng ù té chạy ra khỏi chỗ tối, vì nhớ lại con cọp tinh, hay bất kỳ con ma nào khác từ miệng người lớn? Phải nói rằng chất hồi hộp của Hoa Vàng, đến từ sở trường phim kinh dị của Victor, vẫn phù hợp với không gian phim, chứ không hề phá hoại nó.
Điểm xuất sắc nhất của Victor Vũ trong phim này, lại không đến từ những khung hình tuyệt đẹp từng thấy ở trailer. Trong toàn phim nó vẫn đẹp, vẫn lung linh, từ màu sắc, ánh sáng cho đến cách chọn góc quay, bố cục. Và không phải đẹp theo kiểu sến súa chỉ để đẹp, như nhiều phim khác, vẻ đẹp hình ảnh của Hoa Vàng phục vụ cho nội dung, cho chất tình cảm. Victor Vũ xứng đáng nhận được lời khen, ở khía cạnh khác: anh dám dũng cảm thể hiện mạch cảm xúc bằng ngôn ngữ điện ảnh đích thực, mang tính gợi, không giải thích dài dòng chiều chuộng khán giả, dù phải đối mặt với nguy cơ sẽ có nhiều người không hiểu. Và quả thật đã có nhiều người không hiểu và lên tiếng chê bai.
Tình yêu thương, thông điệp chính của phim, không hề hiển hiện ở các câu thoại hay thậm chí hành động rõ ràng. Mà phải tìm kiếm, phải để ý, phải cảm nhận, mới có thể thấy. Nó giống như thứ ánh sáng ấm áp nhưng chỉ đang lấp ló sau lớp màn che, là sự nghèo khó, là những cảm xúc trưởng thành rối loạn ở bề mặt, hay cả những hành vi của Thiều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trách Thiều vì “miếng ăn” mà đánh em, nhưng đâu phải vì miếng ăn? Giống như thể hiện xuất sắc của Thịnh Vinh, nếu em cười người ta sẽ thấy sự dịu dàng và ngây thơ, nhưng ánh mắt giận dữ thì sắc lạnh hút hồn, ở Thiều là tập hợp muôn vàn cảm xúc trái ngược. Đều chỉ xuất phát từ tình thương. Sẽ chẳng thể ghét Thiều nổi nếu người xem thấy cảm động khi em chịu bầm dập chỉ để mang hai củ khoai về cho Tường và Mận. “Đó là khoai cho thằng Tường với con Mận,” em hét lên. Ba người sao chỉ có hai củ khoai? Em còn không giữ lại một củ cho mình. Đó là tình yêu, cũng sáng trong và vô điều kiện như tình yêu Tường dành cho con Cu Cậu. Và chỉ có tình yêu lớn, khi ngỡ bị phản bội, mới dẫn đến những hành động sai lầm lớn.
Nhiều người cũng chỉ thấy người cha trong phim luôn dọa nạt, đòi đánh đập con cái, và gạt phăng hết đi khi con cái hỏi. Ấy là họ chưa từng có, hay chưa gặp những người cha lao động bình dị ấy. Nhiều người khác sẽ thấy thân thuộc. Người cha có vẻ xa cách ấy, chỉ biết nói toàn lời khô cằn, cũng là người đã nhịn ăn dành hết cho ba đứa trẻ khi lũ lụt. Ông bán bò để lo cho con, đổ hết mồ hôi kéo nó đi chữa trị giữa bao ánh mắt nhòm ngó, chi tiết chủ đạo thể hiện tư duy điện ảnh tuyệt vời của Victor Vũ. Nhà nghèo, nhưng ông và vợ vẫn cưu mang Mận không một lời than phiền. Cái tình là ở đó, và hồn Việt là ở đó. Nó không hiển hiện, không cần được nói ra như “cha yêu con” hay “cha thương con”, nhưng nó tràn đầy và ấm áp. Và chờ được khám phá, như rất nhiều thông điệp khác về gia đình ở trong phim.
Có thể bản phim đã cắt ngắn nhiều thứ hơn so với bản truyện, nhưng không thể nói nó dở hơn. Hoa Vàng vẫn đầy đặn ở tính điện ảnh. Với các chi tiết có dụng ý về hình ảnh biểu tượng “hoa vàng” được sử dụng khéo léo và tinh tế. Với cách dẫn dắt gọn gàng, chỉn chu, thể hiện sự lên tên của Victor Vũ, và cả cách anh chỉ đạo các diễn viên nhí nhập vai tuyệt vời. Trong bộ ba nhân vật chính, không có diễn viên nào bị “hụt” hay lép vé so với những người còn lại. Cùng với Thịnh Vinh, Trọng Khang và Thanh Mỹ đều hoàn thành tốt vai diễn của các em. Ngoài ra phải ngợi khen phần thoại do đạo diễn Việt Linh chuyển thể, chính xác là ngôn ngữ trẻ thơ, và được các em thể hiện đúng âm sắc con nít. Vì thế, bộ phim có được chất đối thoại ngây ngô hài hước khiến người xem phải bật cười. Và cả sự tự nhiên dễ chịu trong tương tác trên mản ảnh giữa các em, trở thành “nhân vật” thật sự, là rất đáng giá mà ít phim Việt nào làm được.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, có lẽ khoan hãy nói về những bước ngoặt hay “cú hích” cho điện ảnh Việt, điều rõ ràng là có thật, mà trước hết, đơn giản là một bộ phim hay và đậm chất Việt Nam, dành cho người Việt Nam. Chúng ta sẽ không thấy sự xa lạ nào, dù được chỉ đạo bởi một người không hề trải qua tuổi thơ ở Việt Nam, như Victor Vũ. Nhưng chúng ta thấy được cái tình anh dành cho quê hương, đủ để xóa đi khoảng cách ấy. Một phim mang đến những phút giây dễ chịu và nhẹ nhàng, và có thể là đôi giọt nước mắt dù là ở câu chuyện hay ở việc gợi lại các kỷ niệm. Chỉ như vậy thôi, Hoa Vàng đã xứng đáng để được ủng hộ, được tìm về.
Hotel Transylvania 2: Hay Hơn và Hài Hước Hơn Phần Đầu Tiên
Inside Out: Sáng Tạo Hoàn Hảo Và Rung Động Từ Pixar
Maze Runner The Scorch Trials: Hoành Tráng Hơn Và Chạy Nhiều Hơn!