Được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của Joe Hill, The Black Phone là tác phẩm kinh dị đang gieo rắc ám ảnh tại các rạp chiếu phim.
Những chiếc bong bóng sặc sỡ gắn liền với hình ảnh trẻ con tươi vui hồn nhiên, thế nhưng với điện ảnh thì đôi khi chúng lại mang ý nghĩa đáng sợ hơn. Chùm bóng bay đỏ rực nhuốm máu cả thị trấn Derry do tên hề khát máu trong IT tạo ra từng gây kinh hãi với nhiều người. The Black Phone cũng không là ngoại lệ, màu đen chết chóc đầy u ám của quả bong bóng mỗi khi xuất hiện chính là điềm báo dành cho các nạn nhân xấu số.
Tuy nhiên khác với những trường hợp thường thấy, điện thoại trong các bộ phim rùng rợn thường được xem là tín hiệu cảnh báo cho cái chết tiếp theo sẽ xảy ra. Ở The Black Phone thì chính chiếc điện thoại tưởng chừng vô hại kia lại là mấu chốt giải quyết tất cả vấn đề.
Có một sự thú vị ở đây khi tác giả Joe Hill lại chính là con của nhà văn lừng danh Stephen King. Điều này lý giải rằng vì sao The Black Phone có vài chi tiết mang âm hưởng từ các cuốn truyện trước đây của cha anh. Đồng thời đấy cũng là ưu điểm giúp phim sở hữu kịch bản mạch lạc và lôi cuốn.
Sẽ như thế nào nếu bắt gặp một nhà ảo thuật khi đi trên đường? Thường là tất cả sẽ được chiêm ngưỡng vài trò nhỏ khá vui và cũng đầy bất ngờ. Ảo thuật gia có thể làm biến mất đồng tiền, biến mất lá bài…, để rồi sau đấy lại đưa chúng trở lại vào túi người xa lạ nào đấy. Đặc sắc lắm đúng không? Thế nhưng liệu có còn những lời tán dương trầm trồ nào không, khi mà thứ bị biến mất lần này là trẻ em, và chúng cũng một đi không trở lại?
Đấy là vào năm 1978, tại vùng ngoại ô Denver xuất hiện một tên chuyên bắt cóc các cậu bé. Thủ đoạn của hắn cực kỳ nhanh gọn, không để lại bất cứ dấu vết nào. Hắn như bóng ma, hiện lên với chiếc xe tải đen cùng rất nhiều bong bóng đen, không có nhân chứng nào trông thấy.
Sau hàng loạt phi vụ thành công, cả thị trấn còn đang bối rối chưa biết xử trí với tên này thế nào thì hắn đã chọn được đối tượng tiếp theo. Đấy là Finney, một cậu trai có phần yếu ớt và thường xuyên bị bắt nạt trong trường. Trái ngược với Finn, em gái của cậu là Gwen lại thông minh lanh lợi hơn, ngoài ra cô bé cũng mang năng lực đặc biệt với khả năng ngoại cảm tâm linh.
Sau khi bị bắt cóc, Finn hoảng loạn và gần như tuyệt vọng khi biết rằng không thể nào thoát khỏi tay tên bắt cóc. Chính vào lúc này, tại căn hầm giam cậu vang lên tiếng chuông reo từ chiếc điện thoại cũ đã bị hỏng từ lâu. Tiếng nói ở đầu dây bên kia cho biết họ là những âm hồn đã chết dưới tay gã sát nhân, giờ đây mỗi người đưa ra một gợi ý để giúp Finney trốn thoát.
Mọi yếu tố cần cho một cuốn phim giật gân, ly kỳ đều hội tụ ở The Black Phone. Đấy là sự thương cảm khi chứng kiến giây phút cuối đời của từng sinh mạng đã chết thê thảm ra sao, là sự căm phẫn khi thấy thái độ cợt nhã máu lạnh của tên bắt cóc, là cảm giác hồi hộp khi Finn từng bước chuẩn bị cho kế hoạch tháo chạy, và cả sự nhiệm màu nơi Gwen khi cô bé nhận được “tín hiệu” từ Chúa.
Không cố gắng chăm chút cho các màn jumpscare để đua nhau hù dọa khán giả, The Black Phone lại đi sâu vào tâm trí con người, thống trị nỗi sợ khi điều khiển tâm lý khiến tất cả bị cuốn vào nhịp phim. Sự căng thẳng của Finn cũng sẽ làm cho bất cứ ai cũng phải nín thở mỗi khi cậu đối diện với tên bắt cóc. Bên cạnh đó, mỗi linh hồn tuy chỉ tồn tại dưới hình thức là giọng nói, hoặc chỉ là hình ảnh thoáng qua cũng đủ gây khiếp sợ. Bởi vì đôi lúc không thể nào kiểm chứng được đấy là những lời cứu rỗi hay là tiếng dụ dỗ của quỷ dữ.
Để giảm bớt phần nặng nề của phim, cô bé Gwen như là nhân vật đại diện cho niềm hy vọng. Sự lạc quan của cô bé vẫn không mất đi kể cả khi bi quan nhất. Nhờ vào lòng kiên cường, những lời nói bỗ bã có phần thiếu kiểm soát của Gwen giúp dây thần kinh của khán phòng được nới lỏng hơn. Cần dành lời khen cho Madeleine McGraw khi nữ diễn viên nhí đã hoàn thành tốt vai trò của mình một cách duyên dáng, thậm chí đôi chỗ còn lấn lướt vai chính.
Finney do Mason Thames lại cho thấy chuyển biến tâm lý rõ rệt. Ở đầu phim, cậu nhút nhát, không có khả năng tự vệ và thường trốn tránh hiện thực với những gì đã xảy ra khiến cậu tổn thương. Càng về sau, Finney bắt buộc phải trưởng thành hơn, gan dạ hơn, quyết tâm không lùi bước trước kẻ giết người. Diễn xuất của Mason Thames cũng là điểm sáng của The Black Phone.
Về phần tên bắt cóc do nam diễn viên kỳ cựu Ethan Hawke đảm nhận, đây là một tên quái vật cư xử kỳ lạ và tàn nhẫn. Hắn không đơn thuần là chỉ bắt cóc con mồi, thứ làm hắn thỏa mãn nhất chính là dụ chúng bước vào trò chơi thử thách, sau đấy giăng bẫy để kết liễu. Điều đáng nói là hắn luôn ẩn mình dưới lớp mặt nạ gớm ghiếc. Chẳng thể đoán được hắn đang nghĩ gì, chỉ có ánh mắt điên dại và chất giọng man rợ phát ra từ cổ họng của một tên không mấy thân thiện.
Âm thanh và hình ảnh trong xuất phẩm mới nhất từ nhà Blumhouse đạt độ hoàn hảo tuyệt đối, không khiến người xem thất vọng.
Phim mới của đạo diễn Scott Derrickson nhìn chung vẫn còn nhiều lỗ hổng trong đường dây câu chuyện. Động cơ của hắn là gì, chiếc điện thoại đen từ đâu mà có, vài chi tiết được đề cập tưởng chừng sẽ dẫn đến manh mối tháo dở nút thắt bí ẩn về thân thế thật của kẻ phản diện, cuối cùng lại bị bỏ ngỏ.
Tổng kết lại thì giữa bữa tiệc bom tấn mùa hè với các siêu anh hùng tràn ngập và những chủ đề phục vụ thiếu nhi, The Black Phone đủ tạo được ấn tượng tốt, một “món lạ” đáng để thưởng thức trong thời điểm hiện tại.