Năm 2019, Hai Phượng gây bão toàn quốc nhờ câu chuyện người mẹ tìm con, càn quét tận 200 tỷ từ các rạp chiếu phim. 3 năm sau, Ngô Thanh Vân trở lại với phần tiền truyện về phản diện Thanh Sói. Lần này, cô tham vọng hơn nhiều. “Đả nữ” mong muốn tạo ra một tác phẩm phức tạp, đầy mâu thuẫn và bi kịch!
Bi (Đồng Ánh Quỳnh) có tuổi thơ bất hạnh. Cô xinh đẹp nhưng ngổ ngáo, phiêu bạt tựa đóa cúc dại giữa chợ đời. Việc gặp gỡ Lin (Ngô Thanh Vân) cùng Hồng (Rima Thanh Vy) và Thanh (Tóc Tiên) khiến cuộc đời Bi bước sang trang mới. Hội chị em tham vọng trả thù tay đại ca Hải “chó điên” và đám đàn em dám xem phụ nữ như cỏ rác. Cuộc chiến của Bi và bạn bè liệu có thành công? Quan trọng hơn, tại sao từ một cô gái “đầu đường xó chợ”, Bi lại trở thành bà trùm Thanh Sói chuyên buôn bán trẻ em?
Ưu điểm nổi bật nhất chính là thông điệp nữ quyền vô cùng rõ ràng và trực diện. Từ cốt truyện, tình tiết đến lời thoại đều nhấn mạnh điều này. Ekip Thanh Sói bạo dạn cho lên hình hàng loạt cảnh nóng và những câu thoại gây sốc để thể hiện sống động bối cảnh “giang hồ”.
Ngược lại, kịch bản nhiều hàng loạt vấn đề. Đầu tiên là vài câu thoại dễ gây hiểu nhầm là dịch từ tiếng nước ngoài: “Để không còn là con mồi cho bọn khốn nạn ở ngoài đó nữa thì chúng ta phải luyện tập và phải mạnh hơn lũ đàn ông.” Một số lại tối nghĩa như “Khi số phận dồn ta đến đường cùng thì bóng tối lại là nơi an toàn nhất.” Biên kịch khi thì dùng từ ngữ quá “hiền” cho nhân vật, lúc lại “gồng” - chêm nhiều tiếng lóng và chửi thề để rõ chất ăn chơi. Rõ ràng nhất, câu thoại “Happy New Year mo*** f*****!” phát ra hoàn toàn khiên cưỡng.
Tình tiết Thanh Sói tỉ mỉ hơn Hai Phượng. Tuy nhiên, quá ưu ái cho các cảnh hành động dẫn đến tâm lí nhân vật thiếu nhất quán. Từ chính đến phụ, cả chính diện lẫn phản diện đều rơi vào tình trạng này. Ngoài ra, phim còn cố lồng ghép màn “lật mặt”, dẫn đến tính logic trở nên lỏng lẻo. Màn “quay xe” trở nên kém thuyết phục. Chưa kể, dù quảng bá là phần tiền truyện Hai Phượng, là quá trình “hắc hóa” trở thành kẻ buôn bán trẻ em của bà trùm Thanh Sói thì hẳn khán giả coi đến hết phim vẫn chẳng hiểu “vì đâu nên nỗi”.
Dẫu vậy, so với tác phẩm đạo diễn đầu tay Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, Ngô Thanh Vân lên tay rõ rệt.
Màu phim bắt mắt, góc quay đa dạng, chuyển cảnh mượt mà. Các pha hành động được dàn dựng hết sức công phu, đánh đấm có lực chứ không “cưỡi ngựa xem hoa”. Đặc biệt, phân cảnh rượt đuổi xuyên ngõ hẻm cực kì xuất sắc. Bối cảnh Sài Gòn trước 2000 cũng được đoàn phim đầu tư mạnh tay. Từ khu chợ, chung cư cũ đến những chi tiết nhỏ quen thuộc với thế hệ 8X, 9X như tấm poster ca sĩ Đan Trường… Tất cả được tái hiện chỉn chu.
Tạo hình cũng là điểm nhấn đáng khen. Trang phục tôn lên cá tính từng người. Hồng cột tóc hai bên gợi nhớ Birds Of Prey. Khác Harley Quinn, dù quần áo đến vòng cổ hay móng tay đều rất sặc sỡ, Hồng đầy vẻ vui tươi nhí nhảnh chứ không vừa hài vừa lạnh gáy như người tình Joker. Thanh chín chắn thường diện đồ đen mà vẫn đủ bắt mắt khán giả nhờ những hình xăm. Dì Lin ăn mặc đúng kiểu retro, mạnh mẽ lại đủ nữ tính. Tuy nhiên, nữ chính Bi có phần thua chị kém em. Kiểu tóc mái “phong ấn” non nửa vẻ đẹp của Đồng Ánh Quỳnh, trang phục chưa bắt mắt. Ở phân cảnh chiến đấu gần cuối phim, Bi mặc bộ thể thao lấy cảm hứng từ Cô Dâu (Kill Bill). Thế nhưng, giữa một bộ phim lấy tông đỏ làm chủ đạo, tạo hình này bỗng dưng chìm nghỉm.
Nhạc phim Giã Từ Dĩ Vãng do Phương Thanh trình bày là điểm cộng lớn. Giai điệu da diết khiến người ta thổn thức và hợp bối cảnh Sài Gòn trước 2000. Ca sĩ Phương Thanh cũng cameo vai diễn gợi nhớ nhân vật giang hồ cộm cán có thật.
Sau Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Rima Thanh Vy ở Thanh Sói tiến bộ xuất thần. Hồng vui tươi, hài hước, là nhân tố gây cười xoa dịu tâm lí khán giả. Tóc Tiên đáng nhận những lời khen với Thanh điền đạm, chín chắn. Hơi tiếc cho Đồng Ánh Quỳnh khi Bi có hoàn cảnh phức tạp lại ít đất thể hiện nội tâm. Tựu trung, các nhân vật thiếu chiều sâu dù dễ gây đồng cảm.
Phải diễn cùng bộ ba cô gái trẻ hơn cả con giáp, Ngô Thanh Vân không hề lép vế. Nhan sắc cô dường như dừng ở thời diễn Dòng Máu Anh Hùng, sắc sảo và xinh đẹp vô ngần. Đáng tiếc, do từ nước ngoài về, khả năng đọc thoại tiếng Việt của “đả nữ” vẫn kém cỏi. Nhân vật Lin lại có thoại nhiều và phức tạp, càng làm lộ khuyết điểm. Phải xem Hanoi Hannah (Da 5 Bloods) mới thấy rõ giọng thoại đã dìm Lin đến mức nào. Bù lại, Ngô Thanh Vân khiến người xem mãn nhãn bởi những màn đánh đấm hết sức ra trò.
Thanh Sói tồn tại vài vấn đề nhưng không thể phủ nhận nỗ lực phi thường để ra đời tác phẩm đánh đấm “ra trò”. Bỏ qua câu hỏi logic “Tại sao Thanh Sói lại trở thành Thanh Sói?”, pha hành động đỉnh cao và nhan sắc bộ tứ nữ chính cũng đủ để dành cho Thanh Sói một vé ra rạp chiếu phim thưởng thức!