Lấy chất liệu từ câu chuyện cổ tích mà dân ta ai ai cũng biết, Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể đã được thổi vào lớp vỏ cổ trang chút hơi thở hiện đại để trở thành một bộ phim hay và phù hợp với giới trẻ.
Vẫn giữ cốt truyện xưa cũ, Tấm mồ côi hiền lành phải chịu sự đày đọa của mẹ kế và cô em gái độc ác. Dù có lúc gặp may mắn được làm vợ thái tử nhưng sau đó nàng phải trải qua bao khổ sở thử thách để giành được hạnh phúc vĩnh hằng và trừng phạt kẻ thù.
Với kinh phí đầu tư cực khủng cho một phim chiếu rạp – 20 tỷ đồng, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân đã đem bối cảnh cổ tích biến thành hiện thực một cách sống động và ấn tượng. Điểm cộng đầu tiên của Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể chính là những khung hình tuyệt đẹp của làng mạc, thôn quê và cung điện vô cùng lộng lẫy. Ninh Bình, Long An, Đồng Nai trên màn thật đẹp và choáng ngợp với những cảnh quay non xanh nước biếc trời trong vắt. Từ ngôi nhà của Tấm và hai mẹ con Cám đến hoàng cung nguy nga tráng lệ đều được dàn dựng tỉ mỉ đầy đủ và chi tiết.
Với việc xuất hiện nhiều cảnh chiến trận trong phim, Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể cũng đầu tư cho ngựa, vũ khí và trang phục của các diễn viên từ chính đến phụ. Diễn viên quần chúng của phim cũng đông đúc trong các đại cảnh như tiệc tuyển vợ cho thái tử và trận chiến với Chinh La. Nhờ sự “chịu chi” này, các đại cảnh đều hoành tráng và sống động như thật.
Phục trang cổ của Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể cũng được đầu tư hoành tráng và tỉ mỉ chi tiết từ quần áo tới mấn đội đầu. Mỗi bộ quần áo được thiết kế riêng biệt với những nét tính cách của nhân vật đó. Tuy nhiên, trang phục thường ngày của “thái tử” Isaac có phần hiện đại quá đà.
Dĩ nhiên, ngoài những cảnh quay ấn tượng và trang phục đầu tư, phim còn thành công nhờ một dàn diễn viên hợp vai.
Thể hiện nhân vật chính - một hình tượng nhân vật đã in sâu vào lòng những người dân Việt Nam, dù Tấm không có nhiều đất diễn nội tâm nhưng Hạ Vi vẫn có vài phần gượng gạo. Tuy nhiên, nét đẹp dung dị dịu dàng cùng nụ cười trong trẻo “sáng rực cả phim” đã phần nào gỡ điểm cho cô nàng. Tấm hiền lành, trong sáng, ngây thơ và cả tin đã phần nào được tái hiện thành công trên màn ảnh rộng. Đặc biệt, tuy còn non nớt nhưng trong cảnh cuối phim, Hạ Vi đã có diễn xuất bùng nổ đặc biệt đủ khiến khán giả khắc sâu ấn tượng.
Vốn được giao vai Tấm nhưng lại chủ động xin diễn Cám để thử thách khả năng diễn xuất của mình, “ngọc nữ” Ninh Dương Lan Ngọc đã hóa thân xuất sắc vào vai cô em gái độc ác chanh chua nổi tiếng trong câu chuyện cổ tích ngày xưa. Không còn nhận ra Nương trong trẻo trong Cánh Đồng Bất Tận hay Thơm hiền lành trong Trúng Số, Cám của cô tàn ác đến tận cùng. Từ gương mặt đến cử chỉ, đặc biệt là ánh mắt sắc lạnh khiến người xem phải rùng mình sợ hãi, không còn nghi ngờ gì khi nói rằng Cám của Lan Ngọc là nhân vật “đinh” của phim.
Giữ vai trò đạo diễn và nhà sản xuất, có lẽ vì vậy mà “đả nữ” Ngô Thanh Vân xuất hiện không được nhiều. Thế nhưng cô cũng kịp ghi dấu ấn cho dì ghẻ bằng giọng nói chua ngoa, cái liếc mắt đến “nổi da gà”. Dì ghẻ của Ngô Thanh Vân không chỉ ác mà còn đẹp nổi bật, đôi lúc có phần lấn át cả hai cô con gái vốn đã xinh đẹp như hoa.
Là nhân vật phụ xuất hiện chẳng được bao nhiêu trong truyện cổ tích thế nhưng khi lên phim, thái tử của Isaac lại vô cùng được ưu ái. Ở Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể, hoàng tử có tuyến truyện riêng với những bằng hữu, phụ hoàng và tất nhiên là… một kẻ thù không đội trời chung. diễn xuất còn cứng nhưng với vai trò là ca sĩ đóng phim, Isaac cũng rất đáng khen khi lột tả được khá tốt hình ảnh thái tử dũng cảm, kiên định và vô cùng quyết đoán.
Ba chàng trai còn lại của nhóm 365 và VJ nổi tiếng Ngọc Trai xuất hiện không nhiều nhưng cũng gây được chú ý. Nếu như Jun gây ấn tượng với vai chàng thái giám dễ-thương-nhất-trong-lịch-sử thì Trần Bằng của Will lại khiến khán giả vừa thương vừa ghét. Thạch Biền của S.T ghi điểm với vẻ nham hiểm của một tên sát thủ tay sai, còn Nguyễn Lực của Ngọc Trai thì có vô số câu thoại khiến khán giả không thể nhịn được cười.
Có một dàn diễn viên trẻ tài năng, Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể còn có sự xuất hiện của các nghệ sỹ kỳ cựu. NSƯT Hữu Châu vô cùng xuất sắc với vai tể tướng Tào Hắc muốn soán vị. Chất giọng âm trầm đầy thu hút của một nghệ sĩ kịch nói tài năng giúp anh hóa thân xuất sắc vào vai diễn. NSƯT Thành Lộc thì giúp khán giả có được những phút giây cười thoải mái với nhân vật Bụt đầy cá tính. Khác với mọi phiên bản từng xuất hiện trên phim, trên kịch, Bụt lần này hiện đại hơn, hài hước hơn gấp nhiều lần. Và dù xuất hiện rất ít, nhân vật bà lão NSND Ngọc Giàu cũng khiến khán giả khó lòng quên được.
Dĩ nhiên, lần đầu tiên làm đạo diễn và nhà sản xuất, bộ phim của “đả nữ” Việt Nam cũng khó đạt đến độ hoàn mỹ.
Điểm trừ đầu tiên của Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể đến từ giọng nói của nhân vật. Dẫu biết rằng trong một bộ phim bối cảnh cổ trang sẽ khó tìm được các chất giọng phù hợp. Thế nhưng, sự chênh lệch khi đối thoại, nhất là với hai nhân vật có nhiều cảnh diễn cùng nhau như thái tử và tể tướng ít nhiều khiến phim bị mất điểm. Trước một Hữu Châu quá xuất sắc, những thiếu sót trong cách đọc thoại của Isaac càng thể hiện rõ ràng. Với các diễn viên trẻ khác, trừ một Ninh Dương Lan Ngọc quá xuất sắc, tất cả đều ít nhiều mắc phải lỗi này.
Kịch bản của phim đã làm tốt việc sửa chữa những chi tiết vô lý từ nguyên tác cổ tích. Tuy nhiên, phần lời thoại, đặc biệt là phần thoại trong cung đình có đôi chỗ dùng từ không phù hợp với bối cổ trang. Ngoài ra, thân phận “đặc biệt” của nhân vật tể tướng có phần thừa thãi, không liên quan nhiều đến cốt truyện chính.
Dẫu còn thiếu sót nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của ekip làm phim để đưa câu chuyện cổ tích nổi tiếng này ra màn ảnh rộng. Chắc chắn rằng, so với quả bom tấn cổ tích Thạch Sanh chẳng mấy ai biết, phim mới Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể đã tiến bộ và vượt trội hơn rất nhiều.