[Review] Snowden: Lật Mặt Vụ Scandal Đình Đám Xứ Mỹ

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Là cái tên có thật – kẻ gây nên một những scandal lớn nhất lịch sử của chính phủ Mỹ, có lẽ không ai ngoài đạo diễn kiêm biên kịch kỳ cựu Oliver Stone mới có đủ tài năng và độ chịu chơi để đưa câu chuyện vô tiền khoáng hậu của Snowden ra rạp chiếu phim.

Tháng 6.2013, báo Anh The Guardian đã công bố một thông tin gây sốc đối với người dân Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Một cựu nhân viên CIA và NSA – Edward Snowden đã tiết lộ về hành vi theo dõi bí mật “cả thế giới” của chính phủ Mỹ suốt nhiều năm trời. Vài ngày sau đó, Snowden bị buộc tội trộm cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép về thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ tin tình báo mật cho một người không có quyền hạn. Anh bị truy nã gắt gao tại Hongkong nhưng đã trốn thoát và hiện đang tị nạn ở Nga. Cho đến nay, Snowden vẫn là kẻ thù của chính quyền Mỹ và là cái tên mang tính biểu tượng của sự tự do thông tin cá nhân.

Snowden không phải là bộ phim đầu tiên về nhân vật gây tranh cãi này. Năm 2014, Edward Snowden đã từng xuất hiện trong phim tài liệu Citizenfour. Bộ phim đạt Oscar Phim tài liệu xuất sắc nhất năm 2015. Thế nhưng, khoảng cách từ phim tài liệu đến một phim điện ảnh về nhân vật sẽ cách nhau dài đằng đẵng nếu Oliver Stone không xuất hiện và mua bản quyền quyển sách Time Of The Octopus của  Anatoly Kucherena- vị luật sư người Nga đã có mặt tại sân bay Moscow để gặp Snowden ngay khi anh tới.

Nói đến dòng phim tiểu sử với những lý giải gây sốc cùng lập trường vững chắc, khó ai qua được Oliver Stone. Sự nghiệp điện ảnh gần năm mươi năm giúp ông có trong tay vô số giải thưởng. Bảy lần được đề cử Oscar, thắng giải ba lần. Bảy lần được đề cử Quả Cầu Vàng, thắng giải bốn lần, cả hai hạng mục biên kịch hay đạo diễn đều có tượng vàng, vị đạo diễn đã bước sang tuổi 70 này sở hữu hết vinh quang trong nghề. Chất ngông của Oliver Stone vừa giúp ông đạt thành tựu, cũng khiến ông trở thành kẻ khơi nguồn các cuộc tranh cãi dữ dội. Từ các nhà phê bình đến công chúng, thế giới chia làm hai phe trước phim của vị đạo diễn tài ba lỗi lạc này. Những tranh cãi gay gắt có khi kéo dài hàng chục năm và đến nay vẫn chưa dừng lại.

Oliver từng thực hiện rất nhiều phim có đề tài nhạy cảm như vụ ám sát tổng thống Kenedy, Alexander đại đế đồng tính, sự kiện 11 tháng 9 hoặc chiến tranh Việt Nam. Thế nên, dù là một cái tên gây tranh cãi toàn thế giới, phim mới về Snowden vẫn là đề tài không mấy khó khăn với ông.  Ai là người xứng đáng được trao quyền làm phim về một thanh niên Mỹ từng khao khát cống hiến trong chiến tranh Iraq nhưng nay lại trở thành kẻ tội đồ “quốc dân”? Đó chắc chắn là Oliver Stone.

Hành trình của Snowden không hề dễ dàng. Bộ phim gặp nhiều khó khăn ngay từ bước đầu tiên bởi những bất đồng của Oliver và tác giả Anatoly Kucherena. Cuối cùng ngài đạo diễn kiêm đồng biên kịch nhận được kha khá sự nhượng bộ. Nam diễn viên chính Joseph Gordon-Levitt được gặp trực tiếp nhân vật anh thể hiện, còn Oliver Stone được quay phim chính Edward Snowden bằng xương bằng thịt trong tác phẩm gây tranh cãi của mình.

Nếu Oliver Stone là đạo diễn khó ai thay thế được của Snowden thì tương tự, Joseph Gordon- Levitt là một trong những nam diễn viên phù hợp bậc nhất với kẻ tội đồ nước Mỹ này. Gương mặt thông minh, thần thái trầm tĩnh, điều duy nhất người ta có thể chê là Levitt thấp hơn Snowden thật khoảng 2cm. Bù lại, kinh nghiệm diễn xuất trải dài gần ba mươi năm từ thuở bé và nhiều năm chuyên tâm với dòng phim độc lập, sở thích thử thách bản thân, sự thông minh toát ra từ đôi mắt và một cá tính mạnh mẽ đủ để đương đầu với nhiều loại áp lực không tên khi thể hiện một nhân vật có thật gây tranh cãi của chàng diễn viên sinh năm 1978 này, không ai có thể phủ nhận.

Ngoài Levitt, những cái tên quen thuộc khác như Melissa Leo vai đạo diễn phim tài liệu Laura Poitras, Shailene Woodley vai cô bạn gái Lindsay Mill đầy cá tính của Snowden cũng được thể hiện xuất sắc. Đặc biệt, tạo hình của các diễn viên cũng được chăm chút để giống với nhân vật họ thể hiện ngoài đời thật. Ngoài ra, Zachary Quinto cũng hóa thân xuất sắc vào vai phóng viên Glenn Greenwald, dù đất diễn ít ỏi nhưng vẫn tạo ra khoảnh khắc xuất thần khiến người xem choáng váng. Và tất nhiên, không thể không kể đến nhân vật Hank Forrester của Nicolas Cage, một nhân vật hư cấu dường như có chủ đích của ekip làm phim.

Dù là phim tiểu sử nhưng Snowden không hề khô cứng hoặc chỉ chú trọng vào yếu tố nhân văn. Bộ phim vừa gay cấn, kịch tính lại cũng không thiếu hài hước, lãng mạn. Tất nhiên, điều khiến khán giả ấn tượng nhất chính là những câu thoại sâu sắc, cay độc và mang đầy tính châm biếm của thương hiệu Oliver Stone.

Âm nhạc vẫn luôn là một yếu tố được Oliver Stone chăm chút. Lần này, ông trao quyền lực vào tay Craig Armstrong. Đây không phải là một cái tên không quá khủng nếu so sánh với John Williams từng khiến âm nhạc của JFK của trở thành bất hủ. Tuy nhiên, với các giai điệu đầy hấp dẫn của Snowden, Craig chứng tỏ ông là sự lựa chọn chính xác của Oliver Stone. Vị nhạc sĩ này đã có một năm 2016 thành công nhờ các bản nhạc phim say lòng người của Me Before YouBridget Jones’s Baby.

Không phán xét đúng sai, phim cho khán giả lựa chọn tùy theo lý tưởng, niềm tin hoặc quan niệm sống của riêng mình, việc xác định Snowden đúng hay sai một cách chính xác, hẳn thế giới sẽ phải chờ rất lâu rất lâu nữa. Thế nhưng, có một sự thật chắc chắn được vào lúc này, Snowden của Oliver Stone và Joseph Gordon-Levitt là một bộ phim hay không nên bỏ lỡ.

Bài viết liên quan

Bình luận phim