[Review] Phá Địa Ngục: Người Sống Cũng Cần Siêu Độ

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

“Anh đã hơn 50 tuổi rồi. Tới chừng con được 18 tuổi coi như tụi mình đã ngoài 70. Lúc đó trong những năm tháng thanh xuân hoàng kim nhất, khoảnh khắc đẹp nhất và đầy hoài bão nhất thì nó lại phải dẹp qua một bên để chăm sóc hai ông bà già này sao? Tính ra mình cũng chưa từng hỏi nó là “con có muốn đến với thế giới này hay không? Con muốn chúng ta là cha mẹ con không?” Anh càng không mong muốn đến ngày chúng ta ra đi thì nó đau lòng, mình cũng đau lòng. Hoặc tệ hơn, nó còn chẳng thèm quan tâm thì khi ấy mình càng đau buồn hơn. Nếu biết trước sẽ làm khổ con thì đưa nó tới thế gian này làm gì?”

Đấy là tâm tư của Đạo Sanh khi anh biết vợ mình mang thai. Lời bộc bạch nghe tưởng chừng khá bi quan tiêu cực nhưng không kém phần hợp lý. Đứng trước cột mốc quan trọng của đời người, vui mừng không hết thế mà anh lại có cái nhìn ảm đạm là vì sao?

Trước tiên cần nói qua về ý nghĩa tên phim: Phá Địa Ngục. Để đơn giản dễ hiểu thì đây là nghi thức sử dụng 18 viên gạch có vẽ hình tượng trưng cho 18 địa ngục, đạo sĩ sẽ lần lượt niệm kinh và phá từng viên ngói. Khi mỗi viên bị đập vỡ, một địa ngục được phá giúp cho người đã khuất siêu độ về miền cực lạc.

Đạo Sanh trước đây vốn làm nghề tư vấn và tổ chức lễ cưới, sau đại dịch Covid-19 thì công việc gặp nhiều khó khăn nên anh đành chuyển sang làm việc với “người âm” để tìm hướng đi mới.

Là lính mới nên Đạo Sanh được chú Minh và chú Văn hướng dẫn hiểu rõ tường tận những công đoạn thực hiện thủ tục hậu sự cho cả người sống lẫn người chết. Xuất phát điểm là vì miếng cơm manh áo nên Đạo Sanh tiếp thu mọi thứ rất nhanh và cũng cực kỳ nhạy bén khi bắt tay vào mảng kinh doanh xa lạ này.

Tuy nhiên, chính những lần đảm nhận trách nhiệm lo việc tang sự đã dần thay đổi tư duy cũng như nhân sinh quan của Đạo Sanh. Đôi lần hàn huyên tâm sự với chú Văn cũng giúp Đạo Sanh ngộ ra nhiều đạo lý.

Về phần chú Văn thì phức tạp hơn. Là một đạo sĩ có chuyên môn phá địa ngục, chú Văn kế nghiệp tổ tiên và luôn tận tâm hết mình làm tốt vai trò. Bởi quy tắc đặc biệt của nghề chỉ đàn ông mới đủ tư cách kế thừa nên chú Văn đặt hết hy vọng vào đứa con trai. Có điều, người tính không bằng trời tính, cậu con trai vốn chẳng hứng thú gì đến “nghề gia truyền”, trái lại cô con gái Văn Nguyệt thì hết mực tôn trọng truyền thống đạo giáo của gia đình. Tiếc thay, với một người thuộc thế hệ trước như ông Văn thì tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ đến Văn Nguyệt. Mâu thuẫn thế hệ khiến không khí trong căn nhà của chú Văn luôn nặng nề, ngột ngạt. Sự xuất hiện của Đạo Sanh, sự tổn thương của Văn Nguyệt, sự cố chấp của chú Văn…, câu chuyện của từng người khác nhau vô tình lại có mối liên kết thông qua vòng tròn sinh tử cuộc đời. Cuối cùng, phá địa ngục là dành cho người ra đi hay kẻ ở lại?

Phá Địa Ngục ngay từ khi ra mắt tại các rạp chiếu phim ở Hongkong đã lập tức nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía truyền thông và giới phê bình. Lập kỷ lục doanh thu phòng vé nội địa cao nhất mọi thời đại. Tác phẩm khai thác đề tài mới lạ, đạo diễn mượn nghi lễ lâu đời của người Hoa để khắc họa khía cạnh “khó nói” của người Hongkong nói riêng hoặc cả khu vực Á Đông nói chung. Đấy là sự bất bình đẳng đã có từ thời xưa khi mà các “công tử” luôn được yêu thương chiều chuộng, thích gì làm nấy, tự do hơn so với những “tiểu thư” tuy vẫn được chăm lo cưng chiều nhưng mọi thứ lại phải nghe theo lời phụ mẫu, không được quyền quyết định số phận mình.

Văn Nguyệt từ bé đã thường xuyên quen với những câu nói khó nghe từ chú Văn, “đàn bà con gái rất dơ bẩn” – đây là nguyên nhân khiến Nguyệt luôn có sự xa cách với người cha. Cô bị quan niệm cổ hủ ấy ám thị vào đầu đến mức căng thẳng, buông thả cảm xúc bừa bãi. Với Văn Nguyệt, không có “sống” mà chỉ có “tồn tại”.

Có điều, ông Văn thật sự chán ghét và phân biệt đối xử với con gái của mình đến vậy, hay chính bản thân ông cũng từng chịu nỗi đau “di chứng” thế hệ bởi sự giáo dục khắc nghiệt khi còn nhỏ? Thế thì người anh trai của Văn Nguyệt sẽ hạnh phúc và thoải mái hơn chăng? Câu trả lời là: không có gì tuyệt đối 100% cả.

Đạo Sanh là người ngoài, anh đến với ngành dịch vụ tang lễ vì bất đắc dĩ. Thời gian đầu, Đạo Sanh vận hành mọi việc theo châm ngôn “khách hàng là Thượng Đế”, ra sức cung cấp nhiều chương trình tối ưu cho từng đối tượng. Thoạt nghe có vẻ chu đáo, trên thực tế Đạo Sanh chỉ cố gắng “chốt khách” để thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Quan điểm nghề nghiệp giữa anh với chú Văn có sự đối lập rõ rệt. Chỉ đến khi Đạo Sanh nhận được cái ôm và lời cảm ơn từ một vị khách, khoảnh khắc ấy đã thay đổi nhận thức cũng như cái “tâm” dành cho việc phá địa ngục.

Ở thời khắc cuối cùng, sự chia ly khiến cho vài người đau thương, xót xa, cũng lại có vài người chỉ bận tâm đến vật chất tài sản, người thì tệ bạc lạnh lùng đến mức thua cả người lạ, không thể dành thời gian để làm những “việc cuối cùng” cho kẻ tạ thế.

Huỳnh Tử Hoa vốn quen thuộc với các khán giả mê phim truyền hình Hongkong (TVB) bằng khả năng diễn hài độc đáo của mình. Tài năng diễn xuất của anh trong phim mới đã chứng minh Huỳnh Tử Hoa sẽ là ứng viên nặng ký cho giải Ảnh Đế tại Kim Tượng Hongkong sắp tới.

Còn tài tử gạo cội Hứa Quán Văn vốn là anh cả trong “Hứa thị tứ kiệt”. “Vua hài” đời đầu của xứ Cảng Thơm vẫn giữ phong độ, đặc biệt là những cảnh nặng tính tâm lý vô cùng ăn ý khi đối mặt với Huỳnh Tử Hoa giúp cả hai cùng nhau tỏa sáng.

Vệ Thi Nhã và Chu Bách Khương đã có màn trình diễn xuất sắc đến mức chạm vào trái tim của bất kỳ người xem nào. Nỗi niềm của Văn Nguyệt – Văn Bân cũng dễ dàng tìm được sự đồng cảm bởi tính chân thật khi mà ai đó cũng như nhìn thấy chính mình trong nhân vật.

“Văn Nguyệt mang ý nghĩa là báu vật của lão Văn. Con chính là báu vật của ta”.

 

 

 

Bài viết liên quan

Bình luận phim