[Review] Người Lắng Nghe: Phim Kinh Dị Chỉn Chu Và Nhân Văn

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Làm phim kinh dị đã khó, làm phim kinh dị tâm lí còn khó gấp 10. Không đơn thuần là tác phẩm hù dọa, Người Lắng Nghe có một cốt truyện hợp lí và thông điệp nhân văn đủ để khán giả suy ngẫm sau khi ra khỏi rạp chiếu phim.

“Ai cũng cần được lắng nghe.”

Nếu chỉ nhìn trailer, Người Lắng Nghe chẳng có gì mới so với hàng tá phim kinh dị Việt Nam đã công chiếu.

Nổi như cồn nhờ quyển tiểu thuyết Người Lắng Nghe, cô nhà văn trẻ tuổi An Nhiên lại bị chính nhân vật mình tạo ra ám ảnh. Sau nhiều ngày chịu đựng đến phát rồ, uống hàng đống thuốc không khỏi, An Nhiên được chị họ Lê Vy và anh rể dẫn đi gặp bác sĩ tâm lí Tường Minh. Thấy cô liên tục có những biểu hiện tự hại, dù sắp có kì nghỉ phép quan trọng, lương y người thầy thuốc vẫn khiến Tường Minh nhận lời chạy chữa.

Đây là cốt truyện rất bình thường, từng trở thành cảm hứng cho hàng chục hàng trăm phim chiếu rạp và truyền hình khắp thế giới. Ekip Người Lắng Nghe tham vọng hơn thế. Căn bệnh của An Nhiên chỉ là mở đầu chuỗi sự kiện đầy bất ngờ.

Dài 119 phút, Người Lắng Nghe nỗ lực lớn lao nhằm tạo nên tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Vì yếu tố nội dung, đa số cảnh quay diễn ra trong không gian kín. Tuy nhiên, việc linh hoạt góc quay đã giúp phim bớt đi cảm giác tù túng. Nhà sản xuất cũng chú trọng các đại cảnh núi rừng, bờ sông... để cân bằng. Phim có nhiều jump scare nhưng không quá đáng sợ, hẳn là chủ ý của ekip làm phim vì Người Lắng Nghe chưa hẳn thuần kinh dị.

Nội dung phim chẳng hề đơn giản là câu chuyện bác sĩ chữa cho bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lí hay nhà văn viết truyện rồi bị ám. Người Lắng Nghe ẩn chứa nhiều tầng bí mật. Khán giả khám phá vấn đề này lại hốt hoảng phát hiện vẫn còn pha “bẻ lái” phía sau.

Đây cũng là lí giải tại sao phim dài đến gần 2 tiếng đồng hồ. Tuy vậy, việc nhà làm phim tham lam muốn đưa bằng hết những điều muốn thể hiện lên màn ảnh khiến tác phẩm bị ôm đồm. Ngoài ra, Người Lắng Nghe mắc lỗi thường thấy trong hầu hết phim Việt Nam khi thích diễn giải ra tất cả trước mắt khán người xem. Nếu giản lược các tình tiết ấy, chỉ cần “show, don’t tell”, phim sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

 Đôi lúc, dựng phim có phần lê thê. Điều này thể hiện rõ nhất ở cảnh phim vợ chồng Lê Vy bước lên cầu thang sau pha tranh luận căng thẳng. Nhân vật bệnh nhân ung thư và gia đình anh chiếm thời lượng kha khá chỉ làm tác phẩm trở nên dài dòng. Phần giới thiệu về Tường Minh cùng tấm bằng thạc sĩ và thái độ của trưởng khoa đủ chứng tỏ anh xuất sắc rồi.

Thêm nữa, vài đoạn lạm dụng góc quay cận mặt, vừa gây khó chịu vừa dễ lộ khuyết điểm diễn xuất.

Trong bối cảnh hàng loạt nữ chính phim Việt Nam khiến khán giả lóa mắt bởi vẻ hào nhoáng, thời thượng và hiện đại, dù thể hiện nhà văn trẻ tuổi nổi tiếng, Oanh Kiều vẫn tiết chế từ phục trang đến cách trang điểm. An Nhiên nhẹ nhàng như chính tên cô. Tuy không phải ngôi sao phòng vé, khả năng diễn xuất của Oanh Kiều đã chứng minh qua nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình thành công. Nữ nhà văn có quá khứ “dữ dội” và đang bị “ám” chẳng làm khó cô.

Tương tự Oanh Kiều, Quang Sự cũng là gương mặt quen thuộc ở cả hai mảng truyền hình và điện ảnh phía Nam. Anh diễn tròn vai bác sĩ tâm lí “trông vậy mà đâu phải vậy” được anh thể hiện tròn vai. Có thể nói, theo mạch phim, Tường Minh đòi hỏi khả năng biến đổi tâm lí còn nặng nề và khó khăn hơn cả cô nhà văn An Nhiên.

Phạm Quỳnh Anh và Quốc Cường tuy ít đất diễn nhưng vẫn để lại ấn tượng nhất định. Đặc biệt là Phạm Quỳnh Anh. Là ca sĩ đứng cùng các diễn viên chuyên nghiệp, nhân vật Vy chẳng hề lép vế. Cô chị gái có nội tâm giằng xé giữa việc đi làm hoặc trở thành người phụ nữ gia đình là hình tượng phụ nữ hiện đại quen thuộc. Câu chuyện này dù không thuộc tuyến chính vẫn khiến người xem chú ý.

Tựu trung, Người Lắng Nghe hết sức chỉn chu. Đây là phim Việt hiếm hoi cân bằng các yếu tố kinh dị và tình cảm, ẩn chứa một thông điệp nhân văn và thật sự truyền tải được đến khán giả.

 

Bài viết liên quan

Bình luận phim