Đã bao lâu? Đã bao lâu rồi trong kỷ nguyên siêu anh hùng này mới lại có một bộ phim hành động tươi mới, giàu năng lượng, giàu sức sáng tạo, có thể định nghĩa và nâng tầm thể loại này lên một mức độ mới như Mad Max: Fury Road? Không phải Fast 7, càng không phải Avengers 2, câu chuyện về “chiến binh cô độc” Max “điên” mới là siêu phẩm bom tấn hay nhất mùa hè 2015, tính đến thời điểm này, và trong nhiều mùa hè trở lại đây.
36 năm trước, một đạo diễn mới vào nghề tên George Miller đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với thành công của Mad Max, bộ phim đua xe lấy bối cảnh hậu tận thế điêu tàn, nơi cuộc khủng hoảng năng lượng đã biến những con đường thành chiến trường giữa các băng đảng. Phim thu về đến 100 triệu đôla chỉ với chừng nửa triệu kinh phí, và 20 năm sau đó giữ kỷ lục Guiness phim thu lời nhất lịch sử. Mad Max đã khởi động cho 2 phần phim tiếp theo, mà phần sau lại được đánh giá cao hơn phần trước, và trở thành một trong những “trilogy” (phim bộ ba) kinh điển của điện ảnh thế giới.
Nhưng với những người đã quen với không khí của 3 phần phim ấy, vốn đang được phát đều đặn trên các kênh truyền hình cáp những ngày này, phần 4 Fury Road mang đến không khí hoàn toàn khác hẳn. Vẫn là thế giới của cát và sa mạc, của lửa và máu, của những con đường tàn khốc và điên loạn nối nhau không dứt, nhưng không còn cùng dáng vẻ trầm lắng và có phần già dặn như thời Mel Gibson, Fury Road là tất cả những gì người ta khó có thể ngờ đến nhất ở một George Miller “70 tuổi”: sự trẻ trung, nguồn năng lượng dồi dào tuôn trào trong mỗi khung hình, sức sáng tạo tuyệt vời ở các việc xây dựng thế giới và cả các trường đoạn hành động kịch tính, nghẹt thở, trong khi vẫn giữ được sự sâu sắc ở các hình ảnh biểu tượng, mang màu sắc tôn giáo như đã từng có.
Trên tất cả, điều đáng thán phục nhất, là Miller có được lòng nhiệt huyết và dũng cảm mà hầu hết các đạo diễn trẻ hơn ông hàng chục tuổi không có, hoặc không dám thể hiện, và là điều mà các bom tấn siêu anh hùng thời điểm này vẫn mấp mé chưa dám vượt qua. Đó là một bộ phim dám vượt qua ranh giới nguy hiểm có tên “nhãn R”, chấp nhận giới hạn doanh thu để đi đến tận cùng sáng tạo.
Mad Max: Fury Road vẫn là câu chuyện xoay quanh người anh hùng với quá khứ bi thương Max (Tom Hardy). Mang trong mình nỗi ám ảnh về cái chết của vợ con và cả những người anh không thể cứu, Max bị cuốn vào cuộc trốn chạy của Furiosa (Charlize Theron) khỏi gã trùm Joe “bất tử” (Hugh Keays-Byrne). Joe sở hữu nguồn nước quý giá mà ông ta gọi là “Aqua Cola” và vì thế “ông ta sở hữu tất cả”, và xây dựng một đế chế riêng hùng mạnh. Furiosa từng là nô lệ của Joe nhưng đã vươn lên chức chỉ huy, và trong một lần chuyển hàng, cô quyết định liều mình tìm cơ hội trở về quê hương, nơi gọi là “vùng xanh” trong ký ức của cô.
Fury Road gây ấn tượng cực mạnh ngay từ trường đoạn hành động đầu tiên. Một phần mở màn choáng ngợp cho liveshow điện ảnh của George Miller. Đúng thế, bộ phim giống như một sân khấu trình diễn âm nhạc sôi động, với hai thứ âm nhạc gần như trái ngược “rock metal và nhạc cổ điển” lại được hòa quyện và xử lý khéo léo tuyệt vời. Rất nhanh gọn, Miller thiết lập nên một thế giới lạ lùng nhưng có chiều sâu, với các tuyến nhân vật rõ ràng. Ngoài Furiosa và Max, còn có Nux, một “tín đồ” nằm trong đội quân cảm tử của Joe “V8” (V8 là tên động cơ của những chiếc xe hơi sát thủ mà đội quân này lái trong phim, cũng là chiếc xe đầu tiên của Max “V8 Interceptor”). Nux và các thành viên V8 tin rằng cái chết sẽ giúp họ đến được với thiên đàng, và sẵn sàng bỏ mạng cho Joe. Trường đoạn trong cơn bão cát xứng đáng là một hồi thứ 3 đẳng cấp của bất kỳ bom tấn nào, nhưng trong Fury Road chỉ là màn “dạo đầu” của Miller. Có nghĩa rằng, những đoạn cao trào phía trước còn xuất sắc hơn nữa.
Chất hành động của Fury Road, hay của George Miller là một món quà cho bất kỳ người hâm mộ nào ở thể loại này. Đã quá lâu rồi Hollywood bị chôn chân bởi tư duy thương mại của các hãng phim, mà điển hình là Fast 7 và Avengers 2 mùa hè này, những bom tấn hành động được xem là ở tốp đầu của thể loại. Vẫn cháy nổ không dứt nhưng quá an toàn. Vẫn có những ý tưởng sâu sắc nhưng quá mỏng manh. Vẫn có những sự thử nghiệm nhưng quá khuôn khổ. Những bộ phim chất lượng, nhưng vẫn nằm trong một vòng kềm tỏa vô hình của số tuổi 13, của việc mở rộng phạm vi khán giả, của việc hạn chế hoặc thậm chí không thể hiện bất kỳ cái chết hữu hình nào trên màn ảnh (sợ báo chí và các bậc phụ huynh công kích). Của tiền. Những bộ phim đưa khán giả về lại thành những cậu bé, ngay cả với những người không muốn là một cậu bé.
Miller, với Fury Road, và phải nhắc lại rằng ở tuổi 70, đã cho họ thấy rằng một phim hành động “người lớn” thật sự phải là thế nào. Fury Road rất giàu năng lượng, thứ năng lượng được duy trì đều đặn và không lúc nào thiếu hụt trong suốt 2 giờ hành động không dứt. Thứ năng lượng sáng tạo đã đưa Max Mad lên đỉnh cao vào năm 1979, dường như chưa bao giờ cạn trong ông, dù đặt ở một tư duy điện ảnh hiện đại hơn. Mad Max là một thế giới giả tưởng điên loạn, nhưng điên loạn một cách đầy sức hút. Từ tạo hình kỳ quái của các nhân vật, các thiết kế phương tiện hầm hố đa dạng, đến cách ông thiết lập nên một nền tảng hành động cho riêng mình. Đó là điều đáng nể phục nhất ở Miller, giống như điều ông đã làm trước kia, vượt hẳn ra những lối mòn, để sáng tạo nên những điều hoàn toàn mới mẻ. Và “mới mẻ” gần như là một thứ đã tuyệt chủng ở Hollywood, giống như nước trong sa mạc. Fury Road có những cách thức chiến đấu chưa từng có trước đây, và được thể hiện theo cách chưa từng có trước đây.
Điều người ta nhìn thấy ở Miller, còn là sự trẻ trung lạ lùng, khi ông tự làm mới mình và thay đổi. Fury Road không hề giống với bất kỳ phần phim nào trước đó. Nhanh, gọn, dữ dội, hấp dẫn, nhưng theo một tiêu chuẩn của tương lai, mà các bộ phim sau phải học hỏi. Như thể một lần nữa, ông lại đi trước thế hệ của mình, dù ông mới đáng được gọi là “thế hệ trước”. Fury Road có sự dữ dội, đổ máu và những cái chết trực diện, không màu mè. Bộ phim có được sự chân thực dù vẫn không thiếu những cảnh phi thường, nếu phải so sánh, sẽ là một trời một vực với Fast 7 (bỏ qua các qui tắc vật lý và bảo vệ nhân vật quá kỹ lưỡng). Ngoài ra, đây sẽ là một ví dụ điển hình về việc làm một bộ phim nhãn “R” nhưng vẫn dễ chịu là thế nào, khi Miller sử dụng các cắt cảnh nhanh rất tinh tế, không tạo cảm giác bạo lực quá nặng nề (như Quentin Tarantino) mà vẫn phù hợp với không khí khốc liệt của phim.
Dù đã thay đổi khá nhiều, Fury Road vẫn giữ được những thứ tinh túy và đặc trưng của cả loạt phim. Không đặt nặng, nhưng bộ phim vẫn đầy ắp các biểu tượng tôn giáo, về kinh thánh, về địa đàng. Một địa đàng đã mất, nhưng vẫn còn đó những thiên thần trong lớp vải trắng, và mang trong mình niềm hi vọng của nhân loại. Một địa đàng chìm lấp trong cát bụi, nhưng vẫn còn đó một cái cây “sự sống” (tree of life) mọc lên giữa hư không. Đây đó lại là những phép ẩn dụ về sự cuồng tín, tử vì đạo, về cách con người kiểm soát con người bằng nỗi sợ thánh thần, điều đang nhức nhối ở thế giới hiện đại. Và chuyện phim, một cốt truyện kinh điển về một con người (Furiosa, không hoàn hảo bởi mất một cánh tay) tìm đến sự sống từ cái chết, trải qua hành trình về đất chết để đến được đất sống, gợi cảm hứng tâm linh sâu sắc, cũng tương tự như hành trình trong Gravity của Alfonso Cuáron vào năm 2013.
Phải nói rằng, không phải Max của Tom Hardy mà Furiosa (có chữ đầu “Fury” đầy gợi ý) của Charlize Theron mới là linh hồn của bộ phim. Một nhân vật khiến người ta nhớ lại những nữ anh hùng tuyệt vời nhất từng có trên màn ảnh, như Linda Haminton của Terminator hay Sigourney Weaver của Alien. Theron, chạm vào người xem không chỉ bằng những cảnh hành động ấn tượng, mà bằng ánh mắt giàu cảm xúc và sự nữ tính ẩn giấu bên trong, dù có bề ngoài gai góc và bụi bặm cùng khả năng đánh đấm không thua kém đàn ông. Furiosa gợi đến hình tượng của một vị thánh, một nữ thánh đầy khổ đau đọa đày nhưng cũng đầy hi vọng, trên đường bảo vệ và hộ tống những sinh linh cuối cùng đến với miền đất hứa. Một nhân vật nổi bật khác là Nux của Nicholas Hoult, với diễn xuất khá trọn vẹn, mang đến cảnh cảm động nhất trong phim. Tất nhiên rằng Fury Road không chỉ có hành động đơn thuần, mà thiếu đi sợi dây cảm xúc, khi người xem vẫn sẽ thấy tim mình thổn thức ở đoạn cuối bộ phim.
Điểm yếu duy nhất, nếu có, là ở sự mờ nhạt của nhân vật chính, Max “điên”. Anh không có nhiều sự phát triển tính cách ngoài việc cho thấy sự ám ảnh từ một quá khứ chưa rõ. Tuy nhiên, khi Max nói lên tên mình ở đoạn cuối phim, chúng ta có thể cảm thấy rằng đây mới chỉ là sự bắt đầu. Chỉ đến cuối phim, Max mới thật sự xuất hiện, và theo lời Hardy, đây chỉ mới là mở đầu cho thế giới giả tưởng mới này của George Miller. Người xem có thể chờ đợi được hiểu sâu hơn về nhân vật này ở phần kế tiếp, không hề hụt hẫng, bởi đã có một Furiosa xuất sắc nâng cánh cho cả bộ phim thay thế.
Mad Max: Fury Road cũng thế, không phải chỉ là một phim hay, mà là một phim xuất sắc. Giống như một dòng nước mát lành trong một sa mạc bom tấn đang khô hạn sự mới mẻ, với đầy rẫy những phim cháy nổ lóa mắt tương tự nhau. Phim hiện đang nhận được sự tán dương chưa từng thấy cho thể loại hành động trong giới bình luận Quốc tế. Hiện tại, Fury Road đang giữ số điểm kỷ lục năm nay 9.0 trên trang IMDB với hơn 20 ngàn bình chọn, 98% “tươi” ở Rotten Tomatoes sau 205 bài bình luận. Ở trang bình luận “khó tính” Metacritic, phim đang nhận số điểm cao ngất ngưỡng là 89 (Avengers 2 và Fast 7 nhận được lần lượt số điểm là 66 và 67, cùng số lượng bình chọn). Không có gì phải nghi ngờ rằng, đây sẽ là phim hành động số 1 mùa hè năm nay, và rất khó để cho các siêu phẩm khác, cho dù là Star Wars hay Jurassic World có thể lật đổ được.
Hẳn là một ngày đẹp trời, cho George Miller.
Phiên bản 2D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/mad-max
Phiên bản 3D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/mad-max-1
MAD MAX FURY ROAD: BIÊN NIÊN KÝ CHIẾN BINH CÔ ĐƠN
AVENGERS 2: CUỘC CHIẾN “SÁNG-TỐI” VÀ ẢO MỘNG HÒA BÌNH CỦA TONY STARK
FAST & FURIOUS 7: LỜI CHIA TAY TRỌN VẸN DÀNH CHO PAUL WALKER