Ra đời năm 2008, Kung Fu Panda là một trong những thương hiệu hoạt hình top đầu nhà DreamWorks. Ba phần Kung Fu Panda gom về 528 triệu $ từ các rạp chiếu phim nội địa Mỹ. Tính trên toàn thế giới, doanh thu franchise về chú gấu “mắt thâm” đã "cá kiếm" hơn 1,8 tỷ $.
Vốn là “quốc bảo” nổi tiếng Trung Hoa, ngoại hình đáng yêu mềm mại của loài gấu trúc mê hoặc hàng triệu người trên toàn thế giới. Chính vì vậy, khi vừa xuất hiện, Po nhanh chóng được khán giả yêu mến. Đúng với phương châm “From Zero to Hero”, chú gấu trúc mập mạp Po vốn chỉ là con nhà bán mì bình thường trải qua nhiều thử thách rồi trở thành Thần Long Đại Hiệp bảo vệ cả thung lũng Bình Yên. Lém lỉnh, háu ăn nhưng chân thành và tốt bụng, Po chinh phục trái tim cả đồng môn Ngũ Đại Hào Kiệt lẫn sư phụ Shifu.
Ngôi sao người Mỹ - Jack Black là người thổi hồn cho Po. Sở hữu chất giọng hài hước, anh thể hiện chú gấu trúc thành công vượt bậc. Jack Black có duyên với nghề lồng tiếng chẳng kém nghiệp diễn viên. Năm 2023, Bowser gây sốt toàn cầu. Trùng hợp là, ở The Super Mario Bros. Movie, Black khuấy đảo màn ảnh với bản tình ca Peaches thống thiết. Sang đến Kung Fu Panda 4, công chúng có dịp nghe anh hát lại bản nhạc kinh điển Baby One More Time.
Kung Fu Panda không chỉ xây dựng nên vai chính đáng yêu mà các nhân vật phụ cũng được chăm chút phát triển. Hổ Tỉ, Hầu Ca, Linh Hạc, Thanh Xà, Đường Lang, sư phụ Shifu và sư phụ rùa Oogway đều sở hữu lượng fan đông đảo.
Ngoài ra, Kung Fu Panda (2008) còn "ghi điểm" nhờ phản diện có chiều sâu – Tai Lung. Được sư phụ Shifu nuôi dạy, yêu thương và trao biết bao kì vọng nên khi không thể trở thành Thần Long Đại Hiệp, Tai Lung cảm giác bị thầy quay lưng và trở nên "nổi loạn". Hình ảnh thầy trò giữa Shifu – Tai Lung là một trong những khoảnh khắc đẹp và bi thương nhất cả franchise Kung Fu Panda. Lồng tiếng cho Tai Lung là nam diễn viên thực lực người Anh Ian McShane.
Không chỉ Tai Lung, kẻ ác ở Kung Fu Panda 2 – thái tử Shen cũng tạo ấn tượng sâu sắc. Tạo hình con công hội đủ các yếu tố đẹp lộng lẫy, thông minh, kiêu ngạo, quyền lực cùng giọng lồng tiếng xuất sắc của ngôi sao người Anh – Gary Oldman giúp Shen ghi dấu ấn.
So cùng Tai Lung hay Shen, Kai mạnh hơn nhiều. Gã chiến binh huyền thoại có mối ân oán với sư phụ Oogway rồi từ cõi chết trở về báo thù. Trận chiến giữa Kai và Po vô cùng hấp dẫn và đầy bất ngờ, trở thành điểm nhấn xuất sắc ở phần kết Kung Fu Panda 3 (2016). Lồng tiếng cho Kai là J. K. Simmons – diễn viên gạo cội người Mỹ mà fan Spider-Man khó lòng quên được.
Ở phần 4, lần đầu tiên, phản diện nữ xuất hiện. Còi cọc và nhỏ bé, bị từ chối học kung fu vì quá yếu ớt, Tắc Kè Bông nảy sinh mối hận. Ả học phép thuật, thống trị thành Bách Xù và rồi dùng chiêu trò hiểm độc để tước đoạt kung fu của các đấu sĩ huyền thoại. Pháp sư quỷ quyệt này do minh tinh người Mỹ - Viola Davis lồng tiếng.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Po và Tắc Kè Bông lại thiếu đi triết lý kung fu quen thuộc. Chiêu thức đẹp đẽ bị dẹp sang một bên nhường chỗ cho xáp lá cà tổng lực. Đây là việc dễ hiểu vì Tắc Kè Bông chỉ là kẻ sao chép. Thế nhưng. fan Kung Fu Panda sẽ hụt hẫng. Bù lại, Kung Fu Panda 4 vẫn có những cuộc tung chiêu đã mắt như cuộc đối đầu của Po và cô cáo Zhen hay trận chiến hấp dẫn ở quán rượu Thỏ.
Đặc biệt, so với ba phần trước, Kung Fu Panda 4 chọc cười khán giả từ đầu đến cuối, không bị hụt hơi hay dài dòng như phần 2 hay 3. Hành trình tìm và đánh bại Tắc Kè Bông xen kẽ các cảnh hành động. Màn truy đuổi trên đường phố thành Bách Xù cũng cực kì hấp dẫn.
Không khó để nhận ra, vai trò nhiều nhân vật quen thuộc bị giảm xuống để dành đất diễn cho người mới - cáo Zhen. Tinh ranh, ma mãnh nhưng chân thành, cộng thêm giọng lồng tiếng quen thuộc của cô nàng Awkwafina, Zhen dễ dàng "ăn điểm".
Chẳng có gì bàn cãi khi nói Kung Fu Panda 4 là một sản phẩm “vắt sữa” từ DreamWorks. Dẫu thế, chỉ cần Po vẫn dễ thương thế này thì rất nhiều người sẵn sàng ra rạp chiếu phim nghe chú “tấu hài”. Biết đâu, thực hiện thêm vài phần Kung Fu Panda nữa, sẽ lại ra đời một tuyệt phẩm như cách franchise Shrek đã cho ra mắt Puss In Boot 2.