[Review] Kong: Vũ Trụ Quái Vật Khởi Nguồn Từ Việt Nam?

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Là bom tấn Hollywood đầu tiên quay ở Việt Nam, Kong: Skull Island đủ khiến khán giả ùn ùn kéo nhau ra rạp chiếu phim. Huống chi, bộ phim này còn sở hữu dàn ngôi sao lớn, đầu tư khủng và chất lượng hàng đầu.

Không đi theo cốt truyện kinh điển về một con khỉ đột khổng lồ đại náo New York để rồi chết vì tình yêu. Kong: Skull Island là tác phẩm tiếp theo thể hiện tham vọng lớn của các nhà làm phim Universal - xây dựng nên vũ trụ quái vật để cạnh tranh cùng hai vũ trụ siêu anh hùng MCU và DCEU.

Bối cảnh chính của Kong: Skull Island là năm 1973, khi quân Mỹ bắt đầu rời Việt Nam. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà các quốc gia tìm cách thúc đẩy hết mức khoa học và kỹ thuật, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức bí mật Monarch của Hoa Kỳ đang tìm cách chứng minh sự tồn tại của một sinh vật chưa ai biết tới trên hòn đảo xa thẳm tận nam Thái Bình Dương. Một nhóm thám hiểm được cử đến khám phá hòn đảo đầu lâu với những mục đích khác nhau. Thế nhưng, tại đây, họ đã rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc bởi vô số những sinh vật nguy hiểm mà sức lực bình thường của loài người khó lòng kháng cự nổi. Trong số chúng, kẻ nguy hiểm nhất chính là Kong – vua của đảo đầu lâu.

Là một ngôi sao luôn được đánh giá cao bởi tài năng diễn xuất nổi bật, Tom Hiddleston và người hâm mộ đều kỳ vọng rất nhiều vào sự xuất hiện của anh trong vai chính một phim chiếu rạp bom tấn. Đáng tiếc, nhân vật của Tom không đủ sức nặng như mong đợi. Đất diễn nhiều nhưng James Conrad của Tom lại quá mờ nhạt, đi vào vết xe đổ của người đồng nghiệp Aaron Taylor- Johnson trong Godzilla 2014.

Diễn tốt nhưng nếu như James bất lực trước Packard thì Tom Hiddleston cũng bất lực trước kịch bản dành cho nhân vật của mình. Nam diễn viên vừa giành giải Quả Cầu Vàng dường như chỉ tỏa sáng ở hai phân đoạn diệt quái vật. Còn lại, anh may mắn có một khuôn mặt hút hồn và “ăn” màn ảnh để khán giả có thể quên đi những thiếu sót của nhân vật.

Dường như tất cả mâu thuẫn nội tâm và cao trào cần có của nhân vật chính đều đã được trao cho Packard của Samuel L. Jackson. Là chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, sứ mệnh đến đảo đầu lâu như cứu cánh cho Packard khỏi nỗi buồn bị bắt buộc quay về. Là một trung tá có kinh nghiệm và từng trải thế nhưng Packard lại có sự kiêu ngạo của quân nhân quá lớn. Dù đã dặn dò các cấp dưới cẩn thận nhưng chính Packard lại phạm đúng tội lỗi tự cao “bay quá gần mặt trời” của Icarus, dẫn đến những sự việc đau lòng cho ông cũng như những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử. Diễn xuất của Samuel L. Jackson trong phim không chê vào đâu được, nhất là trong những đoạn đối đầu trực diện với Kong.

Brie Larson là một trong những minh tinh trẻ có năng lực diễn xuất tốt nhất Hollywood hiện nay. Nàng thơ mới của Kong hết sức mạnh mẽ, tự lập tự cường. Mason Weaver đại diện cho thế hệ nữ chính thời nay, có năng lực không thua gì cánh mày râu. Thế nhưng, tương tác của cô và Kong là chưa đủ. Trong khi Ann Darrow của Naomi Watts có cả quãng thời gian khá dài để ở bên cạnh và khám phá bản chất thật đằng sau vẻ ngoài dã thú của Kong thì những giây phút bên nhau của Kong và người đẹp Mason Weaver không nhiều. Khán giả có lẽ sẽ tự hỏi, sao Mason quá tin Kong chỉ sau một lần được giúp đỡ. Còn Kong hẳn là đang lớn nên dễ dàng yêu người đẹp từ cái nhìn đầu tiên và sẵn sàng chịu nguy hiểm để bảo vệ cô?

Các binh sĩ dưới quyền của Packard tuy đất diễn không nhiều nhưng vẫn thu hút nhờ vào những câu chuyện bên lề ấn tượng cùng tính cách đặc sắc. Họ trung thành, tin tưởng vào chỉ huy nhưng vẫn sở hữu con tim chính nghĩa và cái đầu tỉnh táo của người lính. Trừ nhân vật nữ khoa học gia người Trung Quốc của Cảnh Điềm có phần thừa thãi và vai khách mời ấn tượng của ca sĩ người Nhật Miyavi kết thúc quá nhanh, những diễn viên phụ của Kong: Skull Island đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhân vật tỏa sáng nhất phim, dĩ nhiên là Kong. Với thân hình vạm vỡ cao khoảng 30m, Kong của Kong: Skull Island to gấp nhiều lần Kong 2005. Và Kong này vẫn “đang lớn”. Đây là tin mừng cho những ai fan vua khỉ, bởi chắc chắc không ai muốn Kong “chỉ” 30m phải đối đầu với Godzilla cao 108m trong trận đại chiến đã được Universal xếp lịch ra mắt vào năm 2020. Nếu Kong 2005 có đôi mắt rất người thì đôi mắt của Kong 2017 lại xuất sắc thể hiện phần dã thú của Kong. Dù là bản nào, Kong vẫn luôn khiến người xem ấn tượng bởi sự vượt trội giữa quần thể sinh vật trên đảo đầu lâu.

Phim còn giới thiệu cho những sinh vật tàn bạo và ấn tượng không kém gì trong Godzilla. Chúng ta có những còn thằn lằn chỉ cần há miệng ra có thể nuốt trọn  một người, một con nhện cao tới gần chục mét, mỗi bước chân có thể xuyên chết tức khắc một người đàn ông trưởng thành, những con chim mỏ nhọn có thể xé xác người trong vài giây. Ngoài ra, nơi này cũng có những sinh vật hiền lành như chú trâu lớn xác nhưng đáng yêu.

Kịch bản được các biên kịch Dan Gilroy, Max Borenstein và Derek Connolly đã chuyển thể rất mượt. Mạch phim nhanh và gay cấn, tình tiết gãy gọn. Những quan niệm phản chiến được lồng ghép không nhiều nhưng hết sức ấn tượng.

Kong: Skull Island có những cảnh quay tuyệt đẹp. Với đẳng cấp của quay phim Hollywood, Hạ Long, Quảng Bình và Ninh Bình chưa bao giờ đẹp đến thế. Những hình ảnh trong phim đủ làm choáng ngợp khán giả Việt Nam và khiến cả thế giới phải mong ước một lần được ghé thăm đến những thắng cảnh đẹp đẽ hùng vĩ này. Các nhà làm phim đã nghiên cứu kỹ để chọn nên những góc quay đẹp nhất, chỉn chu đến từng chi tiết. Giữa mạch phim gay cấn, đâu đó có hình ảnh chú chuồn chuồn hay chú chim kiếm mồi, đàn cò bay qua… Những khung hình đậm chất nghệ thuật này cũng thể hiện quan điểm duy mỹ của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.

Xét cho cùng, Kong: Skull Island vẫn còn nhiều thiếu sót. Trừ vai của Samuel L. Jackson, tính cách của các nhân vật khác không khai thác nhiều vào tâm lý mà chủ yếu là thể hiện thông qua hành động. Kịch bản dường như quên mất James và nàng “Ann Darrow mới” khiến hai người trở nên nhạt nhòa và chỉ tỏa sáng được vào phút cuối. Tuy nhiên, vì Kong mới chính là nhân vật quan trọng nhất của phần này nên sự thiếu sót trong tính cách nhân vật đã được bù đắp bằng những trận chiến máu lửa. Với hai trận chiến lớn và hàng tá các trận nhỏ, Kong để lại ấn tượng sâu sắc về sự dữ dội của vua đảo đầu lâu. Kỹ xảo hiện đại của Hollywood đã giúp trận đại chiến của Kong và thằn lằn đầu sọ diễn ra hoành tráng hơn hẳn cảnh King Kong 2005 đánh ba con khủng long T-Rex.

Cuối cùng, đừng quên ngồi lại khi phim kết thúc để cùng chờ after credit hết sức quan trọng về Godzilla- bộ phim mới sẽ ra mắt năm 2019, mở màn cho trận quyết chiến đỉnh cao của Kong và Godzilla năm 2020.

Bài viết liên quan

Bình luận phim