Thương hiệu Hành Tinh Khỉ có thể được xem là một trong cái tên đình đám trong lịch sử điện ảnh. Tính từ tựa phim gốc ra đời năm 1968, đến nay đã có gần mười 10 phiên bản ra mắt tại các rạp chiếu phim.
Câu chuyện về một thế giới hoàn toàn mới, nơi mà loài khỉ vươn lên thống trị còn con người phải làm nô lệ đã thu hút công chúng ngay từ ngày đầu công chiếu.
Hành Tinh Khỉ không đơn thuần là thước phim giả tưởng về bầy khỉ biết tư duy và biết đọc viết, ẩn chứa bên trong đấy như lời cảnh báo về những hiểm họa tương lai mà loài người có thể gánh chịu. Hậu quả khôn lường đôi khi phải trả giá bằng sự diệt vong của nhân loại.
Rise of the Planet of the Apes (2011) đánh dấu sự tái xuất màn ảnh của chuỗi phim từng là “bom tấn” ở thập niên 60-70. Đồng thời cũng là cuộc khởi đầu cho hành trình xây dựng nên đế chế hùng mạnh của Vua Khỉ Caesar vĩ đại. Giờ đây sự phát triển của xã hội loài khỉ đã bước sang chương mới, lý tưởng về một thế giới hòa bình giữa người và khỉ liệu có còn khả thi?
Câu trả lời còn phụ thuộc vào chính quan điểm của mỗi bên. Phía con người hoàn toàn hợp lý khi có sự ích kỷ và tâm lý dè chừng về sự nguy hiểm mà loài khỉ mang đến. Ở hướng ngược lại, Caesar luôn bảo vệ và đặt ra mục tiêu đoàn kết đồng loại để tạo ra sức mạnh, bên cạnh đó Vua Khỉ cũng mong muốn hoàn thành lý tưởng về ước mơ khỉ và con người sẽ hòa thuận cùng nhau. Vậy khi người đứng đầu không còn nữa, tuyên ngôn về một cuộc sống không chiến tranh sẽ bị phá vỡ hay không?
Kingdom of the Planet of the Apes (Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới) một lần nữa đưa ra vấn đề trên để người xem suy ngẫm.
Đã hơn 300 năm kể từ cái ngày Caesar lãnh đạo bầy khỉ chống lại kẻ thù. Sau khi qua đời, tư tưởng của Caesar vẫn được kế thừa qua nhiều thế hệ. Tuy vậy, dần dần đã có những kẻ cố tình bẻ lái lệch lạc lời dạy của Vua Khỉ. Bắt đầu xuất hiện các cá nhân mượn danh “chân lý Caesar” để làm trái với nguyên tắc do thủ lĩnh khỉ đặt ra từ thuở nào.
Đáng buồn hơn, Caesar dường như bị lãng quên theo thời gian. Do không có sách vở ghi chép, câu chuyện miệng truyền miệng rồi cũng không còn ai nhắc đến. Đến cả con người sau trận đại dịch năm nào giờ chỉ còn được biết đến với cái tên “tàn dư”.
Những tháng ngày bình yên của cư dân tộc Đại Bàng nhanh chóng bị tan biến khi đoàn quân phục vụ dưới trướng Proximus Caesar tràn vào gây náo loạn. Nhân vật chính của phần phim mới là Noa may mắn thoát nạn. Sau cuộc gặp gỡ thú vị với đười ươi Raka, hiểu biết thêm về quá khứ của tổ tiên thì Noa cùng Raka lên đường giải cứu cho những người bạn của mình. Cả hai được sự hỗ trợ của Nova (tên gọi chung mà loài khỉ đặt cho con người kể từ khi Caesar còn sống) dẫn đường.
Ba phần trước của Hành Tinh Khỉ đều có sự hiện diện của con người. Thật khó để nhận xét rằng ai mới là phản diện. Khởi nguồn từ việc các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra ALZ-112 nhằm mục đích chữa trị các căn bệnh về não. Ít ai ngờ di chứng từ chất ALZ-112 và 113 đã để lại tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự sống của người. Ngược lại, loài khỉ từ chỗ là vật thí nghiệm lại được hưởng ưu thế nhờ ALZ-113 và gần như tiến đến vai trò chủ nhân hành tinh xanh.
Sự hoán đổi trớ trêu khiến cho con người trở nên căm ghét bầy khỉ. Cảm giác bị tước đoạt tất cả đã đẩy mâu thuẫn 2 phe lên đỉnh điểm và kéo dài suốt nhiều thế hệ.
Lời khen đầu tiên dành cho Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới nằm ở phần hình ảnh. Qua nhiều năm, thế giới “hậu tận thế” trong Hành Tinh Khỉ giờ đã xanh mát hơn vì không chịu sự tác động ô nhiễm từ khí thải và những hành động tàn phá thiên nhiên. Dãy nhà chọc trời được bao phủ mảng xanh, cả thành phố rộng lớn tuy có phần hoang tàn nhưng vẫn toát lên sự yên bình đều được đội ngũ kỹ xảo chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất.
Công nghệ motion capture được tận dụng tối đa để khắc họa rõ nét biểu cảm của bầy khỉ và đi sâu vào quá trình chuyển biến nội tâm theo từng tình tiết diễn ra trên phim. Nhờ tính đột phá ở CGI, khán giả hoàn toàn dễ dàng cảm nhận được từng sắc thái của chú khỉ Noa. Từ nét đau buồn bất lực khi chứng kiến bộ tộc của mình bị hành hạ cho tới sự hận thù dâng trào lúc đối mặt với Proximus Caesar.
Ưu điểm khác của tác phẩm chính là có nội dung độc lập, không quá lệ thuộc vào các phần trước. Điều này giúp những ai lần đầu làm quen với Hành Tinh Khỉ cũng dễ dàng nắm bắt được cốt truyện sơ bộ. Ngoài ra, Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới cũng cài cắm một số phân đoạn tri ân Planet of the Apes (1968) như: con búp bê biết nói nằm trong khu vực tàn tích, “đại bản doanh” của Proximus Caesar được trưng dụng từ chiếc du thuyền cũ ở bờ biển, cảnh phim binh đoàn khỉ vây bắt “bầy” người cũng gợi nhớ về đoạn mở đầu của Planet of the Apes (1968).
Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới đang chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.