[Review] Gia Tài Của Ngoại: Dí Dỏm, Hài Hước Nhưng Vẫn Hút Cạn Nước Mắt Khán Giả

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Tình cảm trong gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và dễ chạm vào trái tim của rất nhiều người. Dẫu không mang quá nhiều sự bất ngờ trong câu chuyện, những nhà làm phim vẫn biết cách tận dụng thế mạnh này để tạo ra những tác phẩm cảm động. Bộ phim mới Gia Tài Của Ngoại của Thái Lan sẽ là tác phẩm tiếp theo lấy đi không ít nước mắt của khán giả.

Câu chuyện về chàng trai trẻ M (Putthipong Assaratanakul / Billkin), khi anh chàng nghe tin ngoại của mình mắc bệnh ung thư, M quyết định trở về bên cạnh chăm sóc bà. Thế nhưng, mục đích ban đầu của anh chàng không phải vì muốn ở bên bà, mà vì mong muốn được thừa kế gia sản mà bà để lại. Trước khi không còn thời gian, M phải làm tất cả để trở thành “cháu cưng” của bà.

Với một cốt truyện tương đối dễ đoán, tác phẩm vẫn đủ sức khiến cả rạp chiếu phim phải rơi lệ. Bộ phim gần như không có cao trào để thao túng cảm xúc, cũng không có những cảm xúc giả tạo nào để người xem bị cuốn theo. Thay vào đó, cảm xúc chân thật của toàn bộ mạch phim được đổ dồn vào hai nhân vật trung tâm. Nhịp phim có hơi chậm, nhưng nó cho thấy được sự tinh tế của đạo diễn khi rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt được cài cắm. Khán giả đã quá quen với những tác phẩm có những khoảnh khắc cao trào kịch tính, nhưng Gia Tài Của Ngoại lại đi theo một phương thức khác và hoàn toàn thành công.

Khán giả sẽ không khó để nhận ra sự ​​sự chuyển đổi giữa của M và bà ngoại, bắt đầu từ lúng túng chuyển sang gần gũi và ấm áp. M - người bị cho là kẻ lười biếng, bắt đầu thay đổi thái độ sau khi ở nhà bà ngoại. Bà Amah, ban đầu tỏ ra thờ ơ vì biết rõ ý đồ của cháu trai, cũng dần chấp nhận và yêu thương M.

Không ít người sẽ liên tưởng đến chính bản thân mình qua câu chuyện của M, hay thậm chí là chính câu chuyện của bà ngoại Amah. Khi một cậu nhóc chỉ ham muốn vật chất mà quên đi một tuổi thơ tràn đầy tình thương mà bà ngoại đã dành cho mình. M được mô tả có phần nghệ thuật hóa nhưng cực kì rõ nét thực trạng xã hội ngày nay. Về phía ngược lại, nhân vật bà ngoại lại cho thấy được sự cô đơn của tuổi xế chiều. Khi những đứa con ngày khôn lớn và có cuộc sống riêng thì cũng là lúc những người như bà Amah phải đương đầu với mọi thứ một mình. Đau lòng hơn cả là cảm nhận sự lạnh nhạt của chính những đứa con mình từng nuôi nấng.

Dù mang tên Gia Tài Của Ngoại và lấy góc nhìn của cậu nhóc M nhưng cốt lõi cả tác phẩm lại là những đứa con của bà Amah. Mỗi người đều mang nỗi khổ riêng và cố gắng tạo ra được sự hợp lý trong việc giành lấy quyền chăm sóc mẹ, hay đúng hơn là giành được tình cảm của bà. Cuộc đấu tranh của họ phần nào cũng cho thấy được sự ganh đua, đôi khi là một chút thiên vị giữa những anh chị em trong gia đình. Bộ phim hay còn tinh tế lên án vấn nạn trọng nam khinh nữ luôn hiện diện đâu đó trong các gia đình Châu Á.

Một trong những cảnh đáng nhớ nhất trong bộ phim chiếu rạp là ​​khoảnh khắc cảm động khi bà Amah thú nhận với mẹ của M rằng mặc dù có hai đứa con trai nhưng bà muốn dành những ngày còn lại của mình bên cạnh con gái bà. Tiết lộ sâu sắc của ngoại nói lên nhiều điều về những kỳ vọng thầm lặng thường được đặt lên con gái trong các gia đình châu Á. Nó nêu bật những sắc thái văn hóa mà trong đó người phụ nữ dẫu có những khó khăn của riêng họ, vẫn được coi là người chăm sóc chính. Một trọng trách nặng nề nhưng cũng rất phổ biến thường do chính những người lớn đặt ra. Cảnh tượng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất dịu dàng và vô cùng cảm động.

Điểm sáng dễ dàng nhận thấy của phim là khéo léo lồng ghép yếu tố hài hước đúng lúc, tạo thêm chiều sâu và sức hấp dẫn cho câu chuyện. Trên hết phải kể đến tương tác giữa M và bà ngoại, vừa có thể tạo tiếng cười nhưng nếu ngẫm nghĩ, nó vừa là tiền đề cho những giọt nước mắt. Những câu thoại châm biếm và trò chuyện qua lại dí dỏm của họ không quá sâu sắc nhưng chúng vẫn sẽ khiến trái tim bạn rung động, đặc biệt là khi nhìn thấy được tình yêu thương ẩn sau lời nói của họ.

Tạo hình và khung cảnh của bộ phim mới mang lại một cảm giác rất Việt Nam, cùng với sự duyên dáng của những diễn viên góp giọng của bản lồng tiếng, khán giả Việt Nam chắc hẳn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thân quen tại rạp chiếu phim.

Gia Tài Của Ngoại sẽ thôi thúc khán giả về nhà và trân trọng người thân của mình. Những người thân lớn tuổi xứng đáng nhận được sự kiên nhẫn và chăm sóc nhiều hơn. Bộ phim hay sẽ đưa ra một câu hỏi cho mỗi người “Đã bao lâu chúng ta có dành chút thời gian cho người thân?”

Bài viết liên quan

Bình luận phim