[Review] Dạ Cổ Hoài Lang: Hoài Linh Trở Về Với Dòng Phim Bi Kịch

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Khác loại hình nghệ thuật và thời đại, chuyển thể vở kịch kinh điển vang bóng một thời Dạ Cổ Hoài Lang là một quyết định mạo hiểm của các nhà làm phim. 

Dạ Cổ Hoài Lang là câu chuyện buồn về phận người xa xứ. Làm lụng cả cuộc đời, ông Tư Lành chấp nhận bán hết nhà cửa ruộng vườn để sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình người con trai. Thế nhưng, những mâu thuẫn từ sự xa lạ nhiều năm của ông nội và cô cháu gái, khác biệt văn hóa, xung đột vì bất đồng ngôn ngữ đã đẩy Tư Lành tới sự đau xót tột cùng. Bi kịch của sự cô đơn đè nặng lên bờ vai đã còng. May thay, bên cạnh ông vẫn còn người bạn Năm Triều từ thuở ấu thơ hết lòng giúp đỡ. Cả hai cùng tổ chức đám giỗ cho bà Út Trong vợ ông trên đất Mỹ và ông Tư Lành lại cất lên bản Dạ Cổ Hoài Lang da diết bi thương.

Nhiều năm rồi, NSƯT Hoài Linh mới trở lại với nhân vật Tư Lành. Đây cũng là vai diễn bi hiếm hoi của ông sau thời gian dài liên tục tham gia những bộ phim hài hước vui vẻ. Với Dạ Cổ Hoài Lang, Hoài Linh đã chứng minh rằng mình vẫn có thể “hai tay hai súng”, bi hay hài đều xuất sắc. Trong phim, ông Tư Lành cũng có khá nhiều phân đoạn khiến khán giả cười ngất trong rạp chiếu phim như hiểu lầm về ngôn ngữ, trêu chọc người bạn thân Năm Triều… Cũng có lúc ông làm họ rơi nước mắt với lời hát Dạ Cổ Hoài Lang đầy tâm trạng, da diết và tràn ngập sự chua xót. Đây chắc chắn là vai diễn hay nhất trong số các bộ phim gần đây của NSƯT Hoài Linh. Ông đã khắc họa thành công hình ảnh một người cha, người ông giản dị, bao dung, luôn nghĩ cho người khác nhưng bị những khác biệt văn hóa đẩy đến bi kịch bị cháu gái hiểu lầm. Dáng ông thất thểu đi giữa trời tuyết sẽ khiến người xem không khỏi đau xót khi nhớ đến các đấng sinh thành.

Nếu như NSƯT Hoài Linh cũng từng ghi dấu ấn với vai bi thì nghệ sĩ Chí Tài vốn là một cây hài nổi danh nhưng chưa thử sức với những nhân vật bi kịch bao giờ. Đảm nhận vai Năm Triều có vui ngất trời có buồn rơi nước mắt là một thử thách với ông. Không chịu thua kém người đồng nghiệp, Chí Tài đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Thích ứng hơn với cuộc sống xứ người nhưng cũng như Tư Lành, Năm Triều vẫn mang nỗi buồn đất khách. Hơn ai hết, ông thấu hiểu tâm trạng của người bạn thân, sẵn sàng giúp đỡ và ở bên cạnh Tư Lành trong ngày giỗ vợ cô đơn lạnh lẽo.

Dàn diễn viên phụ của phim dù ít đất diễn những cũng hoàn thành tốt nhân vật và để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Võ Đình Hiếu vai Tư Lành lúc trẻ và Oanh Kiều vai vợ ông đều có lối diễn giản dị, chân phương. Nét đẹp “trai chân quê gái miệt vườn” của cả hai làm cả khung hình sáng bừng. Đặc biệt, vai Năm Triều thời trẻ của Will (365) có những trường đoạn cả bi cả hài rất duyên, nổi bật nhất trong dàn diễn viên. Những diễn viên Việt kiều như Johnny Trần vai Nguyễn và Trish Lê vai Tammy tuy có đôi chỗ diễn còn cứng và lên gân nhưng nhìn chung vẫn khiến khán giả hài lòng.

Đa số phân cảnh giai đoạn hiện tại của phim là cảnh trong nhà. Vì vấn đề kinh phí và những hạn chế không tên khi dàn dựng một tác phẩm từ sân khấu ra phim trường, Dạ Cổ Hoài Lang đã có những thước phim tạo cảm giác khá tù túng. Chuyển cảnh chậm, một cảnh quay thường quá dài. Góc quay ít biến đổi và thiếu sáng tạo, nhân vật hành động ít mà đối thoại nhiều khiến bộ phim chiếu rạp lại tạo cảm giác một tác phẩm truyền hình.  

Tuy nhiên, trong cảnh quay ngoài trời, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ekip làm phim đã xử lý rất tốt để cống hiến cho người xem những thước phim hoàn hảo nhất. Khung cảnh Việt Nam đầy nắng ấm đối lập với nền tuyết trắng xóa của trời Tây. Không còn bó buộc như những cảnh quay trong nhà, Dạ Cổ Hoài Lang sở hữu những khung hình đầy thu hút. Đó là cánh đồng nơi Tư Lành và Năm Triều lớn lên, là bến sông nơi Tư Lành và Út Trong cùng nói lời hò hẹn. Là hình ảnh Tư Lành và Út Trong hạnh phúc trong gian nhà tranh hay bến sông lúc Năm Triều trao vội cho anh đòn bánh trước khi bạn ra chiến trường. Đặc biệt, trong cảnh quay gần cuối phim, khi ông Năm và ông Tư cùng lên mái nhà tìm kiếm “hình chữ S” thân thương, mọi thứ đều rất hoàn hảo. Từ góc máy, ánh sáng đến khung cảnh tuyết rơi lạnh lẽo, diễn xuất “lên đồng” của hai diễn viên và những lời thoại giàu cảm xúc. Có thể nói, hình ảnh ông Tư và ông Năm tựa vào nhau trên mái nhà đầy tuyết là cảnh quay đẹp và cảm động nhất trong số các phim Việt gần đây. 

Nếu phần dựng phim còn ít nhiều thiếu sót thì kịch bản phim đã “cứu” lại tất cả những hạn chế này. Những lời thoại xuất sắc, giàu thực tế nhưng cũng không thiếu tính nhân văn của sân khấu đã được chuyển thể hoàn hảo lên truyền hình. Khác biệt về văn hóa, khoảng cách thế hệ và hơi thở của thời đại đều được thể hiện rõ ràng. Đây chính là công lớn của biên kịch phim kiêm tác giả kịch gốc – NSƯT Thanh Hoàng.

Điểm đáng khen cuối cùng chính là phần nhạc phim quá hay, quá hoàn hảo của nhạc sĩ Đức Trí. Tài năng và mối nhân duyên nhiều năm với Dạ Cổ Hoài Lang đã giúp Đức Trí tạo nên những giai điệu đầy xúc động, đẩy kịch tính của bộ phim lên đến tột cùng và khiến người xem phải rưng rưng trong rạp chiếu phim. Ngoài ra, anh cũng là người cùng NSƯT Hoài Linh thể hiện bản Dạ Cổ Hoài Lang trong phim. 

Điện ảnh và kịch nói là hai khái niệm tuy giống mà cũng khác nhau, việc chuyển thể một tác phẩm sân khấu lên màn ảnh rộng là rất khó. Tuy còn nhiều thiếu sót nhưng ekip của Dạ Cổ Hoài Lang đã thành công trong việc giữ được cái hồn của vở kịch. “Quả ngọt” này là sự đền đáp xứng đáp cho hai năm trời ròng rã, bao công sức đã đổ ra, quay đi quay lại nhiều lần của ekip làm phim.

Bài viết liên quan

Bình luận phim