[Review] Cô Hầu Gái: Phim Kinh Dị Việt Ghê Rợn Đậm Chất Tây

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Cũng đã lâu rồi, khán giả hâm mộ phim điện ảnh Việt Nam mới được ra rạp chiếu phim thưởng thức một tác phẩm bản xứ tròn trịa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và chạm tới tầm quốc tế như Cô Hầu Gái.

Năm 1953, khi người Pháp đang giãy dụa chờ chết sau cuộc chiến 9 năm, một cô gái nghèo mất hết gia đình vì bom đạn chiến tranh, dùng đôi chân trần đi bộ 40 cây số để đến đồn điền Sa Cát xin làm hầu phòng. Nơi đây vốn là một đồn điền cao su trù phú, là chỗ cư ngụ của gia đình đại úy Sebastien. Không may, vợ con ông đều đã qua đời, tòa biệt thự u ám ấy chỉ còn viên đại úy người Pháp và ba người giúp việc. Cần mẫn, chăm chỉ và hết sức xinh đẹp, Linh đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh người đàn ông góa vợ. Một cuộc tình đẹp, lãng mạn, không phân biệt giai cấp hay sắc tộc đã diễn ra giữa ông chủ và cô hầu gái. Thế nhưng, số phận đã định sẵn đoạn kết bi kịch cho mối tình này.

Là một cái tên còn khá mới với đa số khán giả Việt Nam, Nhung Kate đã có một màn trình diễn ngoạn mục và gây ấn tượng mạnh. Linh của cô vừa trong trẻo vừa quyến rũ đến nghẹt thở. Khuôn mặt sắc sảo, vóc dáng nuột nà cùng đôi mắt to ngơ ngác, Nhung Kate không cần trang điểm nhiều nhưng nhan sắc của Linh vẫn khiến ngài đại úy và khán giả thất điên bát đảo. Diễn xuất của cô mộc mạc, chân phương, nhấn thẳng vào đôi mắt biết nói. Dù vẫn có những điểm thiếu sót nhưng những gì thể hiện trong Cô Hầu Gái cũng đủ giúp Linh trở thành vai diễn bước ngoặt đưa Nhung Kate tiến xa hơn trên con đường điện ảnh.

Là người có bề dày kinh nghiệm và diễn xuất tốt nhất ekip làm phim, NSƯT Kim Xuân lại một lần nữa chứng minh khả năng tài tình của mình với vai bà Hàn – người quản gia lạnh lùng trong Cô Hầu Gái. Mới cách đây vài ngày, những khán giả mê phim Việt Nam đã phải rơi nước mắt vì vai diễn người mẹ nghèo khổ của bà trong Nắng thì nay, họ sẽ phải trầm trồ trước hình ảnh một người phụ kỹ tính, sắc sảo, lạnh như băng và có nhiều góc khuất trong quá khứ của bà trong phim mới. Đáng tiếc, một nhân vật hay lại do diễn viên giỏi thể hiện thế này lại có đất diễn quá ít ỏi. Giá có thể khai thác nhiều hơn quá khứ của bà Hàn, nhân vật này đã trở nên đắt giá hơn và chắc chắn sẽ trở thành điểm nhấn của Cô Hầu Gái.

Cũng như bà Hàn, nhân vật ông Châu của diễn viên Kiến An phải chịu thiệt thòi tương tự. Một tên cai đồn điền hai mặt, vừa dữ tợn với các công nhân vừa tỏ vẻ luồn cúi trước người vai vế lớn hơn - vai diễn cá tính này lại có quá ít không gian thể hiện. Ngược lại, nhân vật bà Ngô của Phi Phụng có phần thừa thãi. Các trường đoạn hài của bà có phần lạc lõng trong phim khi phần lãng mạn tình yêu của hai nhân vật chính đã quá đủ để làm dịu bớt sự căng thẳng của một phim kinh dị. Nếu tiết chế hơn một chút, nhân vật này sẽ càng ấn tượng hơn khi vốn dĩ đã là một “nút thắt” quan trọng trong phim.

Là nam chính trong câu chuyện tình Jane Eyre phiên bản kinh dị, ấn tượng của khán giả về Sebastien có vẻ chỉ gói gọn trong cụm từ “quyến rũ”. Thuộc hàng kỳ cựu với 20 năm kinh nghiệm diễn viên, thế nhưng trong lần đầu tiên đến với khán giả Việt Nam, Jean-Michel Richaud có phần lép vế so với các bạn diễn bản xứ. Ngài đại úy được miêu tả dày dạn chiến chinh Sebastien Laurent  của anh nhẹ nhàng và thụ động. Dù vậy, đôi mắt sâu thẳm và nụ cười nhẹ nhàng của người đàn ông Pháp này không chỉ làm cô hầu gái rung động mà còn khiến các khán giả bị hút hồn.

Đặc biệt, dù đất diễn khá là ít ỏi nhưng cô đào Ireland - Rosie Fellner vẫn giành được sự chú ý khi thể hiện nàng tiểu thư Madeleine đanh đá, khó chiều. Mỗi một phân cảnh xuất hiện, cô nàng đều khiến khán giả khó lòng quên được.

Có dàn diễn viên khá chắc tay, cốt truyện chặt chẽ, logic và không thừa thãi nhưng điểm sáng nhất của Cô Hầu Gái chính phần dàn dựng với hơi thở phương Tây khó lẫn vào đâu được. Đạo diễn Derek Nguyễn hẳn đã phải mất nhiều thời gian để có được những khung hình đẹp, ma mị và chỉn chu đến thế. Phim sử dụng flycam nhưng không lạm dụng mà chỉ vừa đủ. Tình tiết phim xen lẫn các giai đoạn thời gian vẫn liên kết chặt chẽ, không bị rối. Đặc biệt, dù đa số các khung hình mang tông màu xám của phim kinh dị, các phần chuyển sang cảnh phim tươi sáng được cắt ghép rất tốt.

Tuy vậy, phim vẫn mắc phải vài điểm trừ đáng tiếc. Hình ảnh “mỗi giọt cao su là một giọt máu” lẽ ra sẽ gây ấn tượng mạnh hơn nếu không sử dụng kỹ xảo CGI giả tạo. Ngoài ra, những cảnh hot trong phim được dàn dựng táo bạo đến mức có phần thô, khiến khán giả cười nhiều hơn rung động cảm xúc.

Dù mới trình chiếu được mười ngày, thế nhưng với những phản hồi tích cực từ khán giả, Cô Hầu Gái xứng đáng được xếp vào hàng phim hay của năm 2016. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho một ekip làm phim có trách nhiệm.

Bài viết liên quan

Bình luận phim