Vừa giải trí vừa ý nghĩa, bộ phim mới Cô Ba Sài Gòn thành công chinh phục khán giả dù chọn chủ đề khó – chiếc áo dài quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam.
Mở đầu bằng bối cảnh Sài Gòn năm 1969, nhân vật chính của phim là Cô Ba Như Ý – con gái cưng nhà may áo dài Thanh Nữ nức tiếng “Hòn ngọc Viễn Đông”. Vừa có gia thế vừa có tài năng, cô Ba nhanh chóng nổi tiếng khắp xứ bởi tài thiết kế. Thế nhưng, cô gái trẻ này lại chỉ thích Âu phục mà ghét cay ghét đắng tà áo dài. Như Ý giữ mãi định kiến đó cho đến khi vô tình mặc lên người chiếc áo dài đong đầy tình thương mẹ may cho và lạc đến năm 2017. Khủng khiếp hơn cả sự lạ lẫm giữa thế kỷ 21, nhà may Thanh Nữ hiện tại khiến Như Ý vô cùng kinh hãi.
Với kịch bản và lối dàn dựng đúng theo cấu trúc phim giải trí Hollywood, Cô Ba Sài Gòn ghi điểm và thu hút dù chọn một chủ đề hoài cổ. Tác phẩm được thực hiện mượt mà chỉn chu. Các nhà sản xuất “biết người biết ta” khi không cố gắng đào sâu vào những tình tiết khó mà chú trọng các yếu tố hấp dẫn giới trẻ. Phim có tiết tấu nhanh, lời thoại gãy gọn. Từ ngữ nhân vật dùng cũng được cân nhắc tỉ mỉ nhằm phù hợp với bối cảnh phim.
Nội dung Cô Ba Sài Gòn là sự trộn lẫn nhiều yếu tố, vừa mạnh mẽ, trẻ trung vừa sâu sắc và nhân văn. Ekip làm phim mạnh dạn tung ra một trailer bị đánh giá kém hấp dẫn khán giả trẻ bởi những yếu tố mang không khí xưa cũ nhằm giấu kỹ nội dung, tạo bất ngờ thú vị cho người xem.
Ngay từ đầu, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy Cô Ba Sài Gòn hơi thiếu logic bởi khoảng cách thời gian đến tận 48 năm trong cuộc xuyên không của Như Ý. Tuy nhiên, đây là vấn đề có thể thông cảm được do yếu tố bất khả kháng về thời đại và xã hội.
Nếu chọn một điểm sáng nhất trong phim, chắc chắn không thể quên khâu thiết kế. Đầu tư hết sức công phu, chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết, bộ phim đáng nhận một tràng pháo tay khen ngợi. Bối cảnh năm 1969 với những tà áo dài thanh lịch, hay năm 2017 với những bộ âu phục thời thượng chắc chắn sẽ khiến không ít cô gái trầm trồ trong rạp chiếu phim. Sẽ không ngoa khi nói rằng, chỉ bằng những bộ cánh đẹp đẽ này, Cô Ba Sài Gòn cũng đủ khiến khán giả trẻ cảm thấy hài lòng.
Trừ số ít ngoại cảnh, Cô Ba Sài Gòn chủ yếu quay trong nhà. Tuy vậy, nhờ cách chọn góc quay, chuyển góc liên tục và cách dựng, dù ở hiện đại hay quá khứ, phim không gây cảm giác bó hẹp khó chịu mà vẫn đậm chất điện ảnh. Màu phim có sự phân biệt rõ ràng giữa hai thời đại với tông ấm áp hoài cổ những năm 60, tông sáng trẻ trung hiện đại năm nay. Bối cảnh tiệm may Thanh Nữ tỉ mỉ từ tường xanh, gạch cổ đến cầu thang, giường tủ… Cách trang điểm, làm tóc, đánh mắt kẻ mày mang đậm hơi thở thập niên 60, đưa nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc thời hiện đại đẹp trong không khác gì các quý cô thanh lịch Sài Gòn xưa. Nhạc phim tuy không đặc biệt xuất sắc nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ truyền tải cảm xúc cho người xem.
Phim có một cảnh quay hết sức thú vị được lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng The Devil Wears Prada năm 2006. Các tình tiết, cách dựng… dễ dàng khiến các fan phim nhớ đến tác phẩm kinh điển về thời trang này ngay từ những giây đầu tiên. Helen có tạo hình không khác già phiên bản trẻ hơn và tóc đen của bà trùm Miranda do Meryl Streep thủ vai.
Xuất sắc từ vai Nương (Cánh Đồng Bất Tận), Ninh Dương Lan Ngọc vẫn luôn là cô đào được công chúng quan tâm chú ý. Tuy nhiên, những vai diễn cô chọn gần đây lại quá an toàn, nhân vật đơn giản hoặc kịch bản hời hợt. Thế nên, phải lâu lắm rồi, khán giả mới thấy Lan Ngọc có diễn xuất xuất sắc mà họ từng yêu mến “trở lại” bằng Cô Ba Sài Gòn. Cô Ba Như Ý – Đệ nhất thanh lịch Sài Gòn ba năm liền, truyền nhân nhà may Thanh Nữ được Lan Ngọc thể hiện trọn vẹn và xúc động. Từ cô gái kiêu ngạo, bướng bỉnh, thua cuộc vẫn ngẩng cao đầu bước tiếp cho đến những giọt nước mắt đau đớn vì thất bại thảm hại và cuối cùng là khoảnh khắc rơi lệ khi thực sự trưởng thành, Như Ý là nhân vật hay. Rất may mắn, Lan Ngọc cũng là diễn viên giỏi.
Dĩ nhiên, Như Ý đầy cuốn hút không thể không kể đến điểm cộng dành cho nhan sắc rực rỡ của Lan Ngọc. Dù mặc Âu phục hay áo dài hoặc lúc diện chiếc áo bà ba trắng đơn giản, cô vẫn đẹp nổi bật.
Gây bất ngờ nhất phim chính là NSND Hồng Vân. Nhà sản xuất giấu kỹ An Khánh đến phút chót. Một vai “đỉnh”, lá bài hết sức quan trọng được chị thể hiện rất xuất sắc. An Khánh thất bại, bệ rạc, chìm trong men rượu, từ đầu đến chân không còn sót lại chút gì của thời huy hoàng khiến người xem bất ngờ xen lẫn xót xa. Tương tác giữa NSND Hồng Vân và Lan Ngọc rất tốt, tạo nên những cảnh quay giàu cảm xúc. Đáng tiếc, một nhân vật quá hay, đáng ra phải ở vị thế nữ chính thứ hai lại phải chia đất diễn với những vai phụ khác. Điều này vô hình trung làm câu chuyện của An Khánh trở nên hời hợt, đuối dần về cuối phim.
Diễm My 9x cũng trở lại ấn tượng. Quyền lực với những cái liếc mắt sắc hơn dao, Helen có phần giống với Linh San do cô thể hiện trong Gái Già Lắm Chiêu. Rõ ràng Diễm My hợp với dạng vai “tà” này hơn là “nàng thơ” như Để Mai Tính 2 hay “bánh bèo” ở Chạy Đi Rồi Tính. Vẫn giữ lối trang điểm sắc sảo nhưng nhân vật của Ngô Thanh Vân không hề giống Mẹ kế trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Cô vào vai người mẹ hiền từ thương con rất “ngọt”.
Các tuyến vai quan trọng khác như Oanh Kiều, Diễm My đều thể hiện tròn trịa. Điểm trừ duy nhất là Tuấn do Sơn Thạch thủ vai. Phái nam duy nhất giữa bộ phim toàn phụ nữ, cộng thêm tính cách đúng chuẩn soái ca ngôn tình, Tuấn có thừa sự nổi bật. Thế nhưng, lối diễn còn non nớt của Sơn Thạch đã khiến Tuấn mất hay đi phân nửa, chìm hẳn so với những nữ cường nhân tài sắc, cá tính.
Dù dàn dựng chỉn chu, Cô Ba Sài Gòn vẫn còn không ít nhược điểm. Để nâng cao tính giải trí, phim đã mạnh tay đẩy người lẽ-ra-là-chính An Khánh xuống làm vai phụ. Đất phát triển nhân vật này bị chia cho một Diễm My 9x xinh đẹp hấp dẫn hơn. Thế nhưng, tuyến truyện về cô nàng Helen xinh đẹp này vẫn không được phát triển toàn vẹn.
Phim có nhiều chi tiết ẩn ý, gợi mở buộc người xem phải suy nghĩ và lý giải. Tuy nhiên, những tình tiết này đưa quá sâu nên dễ bị bỏ qua. Quảng cáo lộ liễu đôi lúc làm ngắt mạch cảm xúc, khiến khán giả khó chịu.
Tựu chung, dù chưa thực sự xuất sắc, đây vẫn là một tác phẩm rất đáng xem. Nếu bạn yêu thích Sài Gòn xưa, là tín đồ thời trang hoặc chỉ đơn giản thích một bộ phim hay với dàn diễn viên thực lực, đừng nên bỏ qua Cô Ba Sài Gòn.