[Review] Cha Cõng Con: Buồn Đến Ám Ảnh

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Không nhà cao cửa rộng, không áo váy sang trọng, giữa thời ngay cả con nhà nghèo cũng khó được nghèo trên màn ảnh thì Cha Cõng Con là một bộ phim lạ.

Đó là câu chuyện về cha Mộc và bé Cá ở một vùng quê nghèo rớt. Họ sống trong căn nhà lá ven sông, bắt cá đắp đổi qua ngày. Mộc làm việc rất chăm chỉ, gắng hết sức lực để có thể mua cho Cá tấm áo mới hay con gà con. Còn Cá, cậu thích nhất là chạy lên đôi ngắm nhìn “con chim sắt” bay vút qua bầu trời. Đó là những ngày nắng.

Những ngày mưa, họ phải chạy lên đồi tránh lũ. Mấy gia đình chen chúc nhau trong căn chòi nhỏ, đau buồn cho những số phận không may bị dòng nước cuốn trôi và thầm cầu nguyện năm sau còn đủ đầy mặt nhau.

Đau đớn thay, cơn lũ buông tha cha con Cá nhưng khi trở về cậu bé lại gặp phải một tình huống quái ác hơn. Đó là căn bệnh ung thư máu. Cha Mộc bỏ hết mọi thứ, cõng con trai lên thành phố chữa bệnh. Thế nhưng, số tiền viện phí quá lớn khiến cả hai rơi vào tuyệt vọng. Mộc cố gắng hoàn thành ước nguyện của con – đưa cậu bé lên tòa nhà cao nhất để chạm tay vào những đám mây và ngắm nhìn những chú “chim sắt” gần thật gần…

Vai chính được giao cho Ngô Thế Quân – nam diễn viên từng nổi danh với hai phim hay Thời Xa VắngChuyện Của Pao gần chục năm trước. Là họa sĩ thiết kế, điện ảnh chỉ là cuộc dạo chơi của anh. Tuy nhiên, không vì thế mà nhân vật người cha kém đi mảy may. Từ cách đi đứng đến giọng nói tiếng cười của Ngô Thế Quân trong phim đều toát ra vẻ chân chất thật thà – đúng với vai diễn người cha đơn thân vùng sơn cước.

Đỗ Trọng Tấn- một cậu bé mồ côi đến từ làng SOS Việt Trì được đạo diễn chọn vào vai Cá. Nụ cười hồn nhiên cùng đôi mắt sáng tinh nghịch của Tấn vừa có thể khiến người xem vui vẻ trong ở đầu phim, cũng có thể khiến tim thắt lại đau nhói ở phần sau. Trong quá trình quay phim, nhà sản xuất còn tìm thêm một dàn diễn viên nhí khoảng hai mươi người. Đặc biệt, có hai bé là bệnh nhi đang bị Ung thư máu của Viện huyết học truyền máu. Những đứa trẻ ấy không trắng trẻo, không bụ bẫm nhưng vẫn đáng yêu đến lạ kỳ mỗi khi xuất hiện trên màn ảnh.

Dàn diễn viên phim không có cái tên nào quá nổi tiếng nhưng khó thể chê được điểm nào. Ngay như người mới diễn xuất lần đầu như đô vật Hồ Văn Hiếu cũng thể hiện rất tốt nội tâm nhân vật chú mù – một vai diễn khá khó. Phim còn có sự tham gia của NSND Trần Hạnh với một vai nhỏ nhưng gây ấn tượng mạnh. 

Lên kế hoạch từ lâu nhưng đạo diễn Lương Đình Dũng đã mất tới sáu năm để chuyển thể lên màn ảnh rộng. Ngoài ra, anh còn tham gia viết kịch bản cho bộ phim bên cạnh biên kịch nổi tiếng Bùi Kim Quy. Kịch bản này được biên kịch Hollywood  Pilar Alessandra biên tập lại lần nữa để cho ra đời một tác phẩm dung dị và đơn giản mà vẫn thấm đẫm tình thân, tình người.

Để quay những cảnh quê nhà của cha con Cá, Lương Đình Dũng chọn địa điểm là thung lũng giữa hai ngọn núi cao ở Hà Giang. Ban đầu anh muốn dùng kỹ xảo để thể hiện những cảnh quay bão lũ nhưng lại thấy quá giả tạo. Nhà đạo diễn thực hiện một quyết định mạo hiểm – quay thật. Đoàn làm phim phải lội nắng lội mưa, khổ sở trăm bề bởi thời tiết thay đổi bất chợt và những cơn giông nguy hiểm để có những cảnh thật 100%. Thậm chí, trong một cảnh quay, cha con Cá – Ngô Thế Quân và Đỗ Trọng Tấn suýt chết vì bước hụt vào nước sâu. Nhờ sự hy sinh đó của cả ekip, cảnh lũ quét và hình ảnh những người dân chạy lũ trong phim chân thật như một bộ phim tài liệu.

Chất lượng hình ảnh của Cha Cõng Con không kém gì những bộ phim chiếu rạp nước ngoài. Dòng sông nơi hai cha con nương tựa đẹp khó thể tả thành lời với mặt nước phẳng lặng bình yên và những dãy núi xanh ngắt. Với những góc quay đa dạng và độc đáo, nhà quay phim- NSND Lý Thái Dũng lại bổ sung vào bộ sưu tập của anh một tác phẩm đáng tự hào nữa. Lee Dong June – nhà chế tác người Hàn từng chịu trách nhiệm phần nhạc của các dự án phim hay lớn như Taegukgi, Shiri, Lost Memories… đảm nhận phần nhạc phim. Không có gì ngạc nhiên khi những giai điệu của Cha Cõng Con dễ dàng đưa cảm xúc của khán giả lên đến cao trào.

Từ cái tên đến cốt truyện chính, bộ phim là một bài ca về tình thương sâu sắc của người làm cha mẹ dành cho con cái. Yêu đến mức có thể hy sinh tất cả dành cho con. Tuy nhiên, hơn cả tình cha con, Cha Cõng Con đề cao con người và tình người.

Nơi vũng lũ tang thương, con người vẫn đoàn kết bên nhau bên bữa cơm ấm áp tình người, cùng đối diện với thiên nhiên. Một miếng cà cũng có thể ăn cơm ngon lành. Chạy lũ vất vả, đồ đạc phải để lại gần hết nhưng họ vẫn lạc quan hướng tới tương lai. Nơi phòng bệnh, người ông của Mít chỉ mong cháu được khỏe mạnh. Ông đã già, tiền bạc khánh kiệt, hàng ngày phải đi xin cơm cháy bé từng miếng đút cho cháu mình nhưng vẫn cố chấp trả món nợ đã trót vay anh Mộc. Nơi đó cũng có những bác sĩ y tá hết lòng giúp đỡ anh Mộc và Cá, dẫu rằng sức người có hạn.

Như đa số phim nói tiếng Bắc khác, lời thoại của Cha Cõng Con có phần giáo điều, thiếu tự nhiên nhưng nhờ sự tiết chế trong lời thoại mà nhược điểm này cũng không xuất hiện nhiều. Mạch phim chậm và trầm nhưng không gây buồn ngủ bởi mỗi phân đoạn đều có điểm nhấn riêng.

Khó thể đếm hết những chi tiết rung động lòng người trong Cha Cõng Con. Đó có thể là chú gà nhỏ đem lại niềm vui cho cậu bé vùng quê, có thể là chiếc áo len ba mươi ngàn vốn chỉ dành mặc dịp Tết nhưng khi con bị lạnh, anh Mộc không tiếc gì mặc cho bé. Hoặc có thể  là đôi ủng đến từ đứa trẻ đã khuất mà Cá được tặng.

Bộ phim cố gắng diễn đạt chân thật mọi thứ. Căn bệnh ung thư hay những cơn lũ dữ dội được thể hiện thật đến đau lòng, không hề lên gân nhưng cũng đủ chua xót. Cái nghèo được diễn tả hết sức nhẹ nhàng trong phim nhưng đầy ám ảnh. Ở thành phố nơi chẳng có đêm, sẽ có những người rùng mình trước sự nghèo mà họ chỉ biết qua sách giáo khoa, về những thời xưa cũ cách đây hàng chục năm.

Cái kết của Cha Cõng Con vừa tinh tế vừa ấn tượng và đủ khiến khán giả khó quên. Đó là dấu chấm hoàn hảo cho một bộ phim không nên bỏ qua. Dẫu rằng nó chẳng có diễn viên hút khách, đánh đấm mãn nhãn hay những tình huống hài hước.

Bài viết liên quan

Bình luận phim