Kể cả khi chiếc quần sắp tụt và mấy múi cơ bụng “thần thánh” của Chris Hemsworth không đủ hấp dẫn bạn, Bad Times At The El Royale vẫn là một bộ phim hay đáng xem.
Nằm ở Nevada lẫn California, El Royale từng là khách sạn lừng lẫy xa hoa bậc nhất. Tuy nhiên, vì bị tước giấy phép đánh bạc, nơi đây chỉ còn cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, khung cảnh nhộn nhịp đông đúc ngày nào đã chìm vào dĩ vãng. Những căn phòng xa hoa sang trọng từng dành cho giới nhà giàu, đại minh tinh và các chính trị gia… nay phải “hạ mình” đón tiếp đám khách trung lưu như anh bán máy hút bụi, nữ ca sĩ kém tiếng, vị cha xứ nhớ trước quên sau và cô nàng hippie xấc xược cùng vài kẻ khác…
Mỗi người một quá khứ. Mỗi người một niềm riêng. Tất cả vô tình hoặc hữu ý tụ tập tại khách sạn El Royale và cùng trải qua đêm kinh hoàng - Khoảnh khắc sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi về sau.
Cốt truyện cả đám người tụ tập rồi đào bới quá khứ, chém giết lẫn nhau là motip cũ kỹ. Tuy nhiên, Bad Times At The El Royale ghi điểm nhờ lối kể chuyện mạch lạc, hấp dẫn. Phim chia theo chương, Mỗi chương là câu chuyện của từng nhân vật. Tất cả liên kết nhau bằng các chi tiết nhỏ. Góc nhìn đa dạng làm phim trở nên hấp dẫn hơn.
Tình tiết liên kết thống nhất nhưng vẫn chứa đựng vô số bất ngờ khiến người xem phấn kích đến mức chẳng thể ngồi yên trên ghế.
Mạch phim nhanh gọn, chuyển cảnh mượt mà. Khán giả ngày nay thường lười xem các bộ phim quá dài, (dĩ nhiên, trừ phi mang thương hiệu siêu anh hùng). 141 phút kinh hoàng ở El Royale thuộc số hiếm tác phẩm dài hơi nhưng chẳng hề nhàm chán. Đây là sự mạo hiểm đáng khen khi phim gần thể loại Murder On The Orient Express bản 2017 chỉ dám giới hạn thời lượng 114 phút, làm fan nguyên tác hụt hẫng.
Thuộc thể loại ly kỳ nhưng phim không dành cho ai thích suy luận. Bạn chẳng cần học theo “sát thủ lớp 1B” Edogawa Conan để đoán xem kẻ nào là hung thủ. Tất cả những gì khán giả cần làm là yên lặng theo dõi hàng loạt tình tiết bất ngờ trong cuộc hội ngộ thú vị tại El Royale.
Công đầu cho trải nghiệm tuyệt vời này dĩ nhiên thuộc về biên kịch kiêm nhà sản xuất Drew Goddard. Xét về tính đại chúng, anh chẳng thuộc hàng nổi tiếng siêu sao như Christopher Nolan hay Quentin Tarantino. Goddard được biết đến nhiều nhất lúc nhận đề cử Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc phim hay The Martian. Thế nhưng, sau hậu trường anh là cái tên quen thuộc - nhà sản xuất hai series “ký ức tuổi thơ” thế hệ 8x, 9x đời đầu như Alias, Lost và phim dài tập Daredevil đang nhận vô số lời khen từ các fan hâm mộ siêu anh hùng Marvel.
Với fan điện ảnh, Drew Goddard là một cá tính đáng nhớ, minh chứng qua những ý tưởng anh thể hiện khi viết kịch bản World War Z, The Martian và làm biên kịch kiêm đạo diễn The Cabin In The Woods. Bad Times At The El Royale lần nữa chứng minh khả năng “hai tay hai súng” của nhà làm phim tài ba. Sắp tới, anh sẽ đảm nhận cả hai vai trò chủ chốt này ở dự án X-Force.
Dĩ nhiên, dàn diễn viên xuất sắc cũng góp phần làm nên thành công Bad Times At The El Royale.
Viên cảnh sát mạnh mẽ (Hell Or High Water), vị lãnh đạo Statesman tinh quái (Kingsman 2) – minh tinh kỳ cựu Jeff Bridges vốn đầy phong độ với mái tóc hoa râm và bộ râu bạc nay hóa thân thành ông lão già nua mất trí. Tay run run, ánh mắt xa xăm, câu chuyện ông già ngớ ngẩn mặc quần áo mục sư đến El Royale để tìm lại thứ quan trọng nhất đời mình thật sự gây xúc động. Đây chưa phải vai hay nhất Jeff Bridges từng hóa thân nhưng màn trình diễn xuất sắc đó đáng để Viện Hàn Lâm cân nhắc đề cử Oscar.
Sinh năm 1987, cô nàng Cynthia Erivo nổi tiếng nhờ bề dày thành tích trên sân khấu kịch chỉ mới chập chững lấn sân màn ảnh rộng. Trong Bad Times, cô thủ vai Darlene Sweet – nữ ca sĩ da màu chật vật trên con đường tìm kiếm hào quang. Khi chất giọng ấm áp, dày khỏe ấy vang lên, tất cả bị cuốn hút đến suýt quên đang xem một bộ phim trinh thám. Cynthia đã thể hiện tốt Darlene không quá khó diễn. Thử thách lớn dành cho cô là ở Widows – bộ phim mới về các góa phụ báo thù sẽ ra mắt vào cuối 2018.
Ngôi sao loạt phim 50 Sắc Thái – Dakota Johnson trở lại bằng hình ảnh cô nàng hippie xinh đẹp, điên cuồng. Nổi tiếng nhờ franchise doanh thu cao nhưng chịu nhiều chỉ trích từ công chúng lẫn giới phê bình, nay Dakota Johnson phải cố gắng gấp bội để được công nhận. Cùng với vai Susie Bannion trong phim kinh dị Suspiria, Emily Summerspring là nhân vật đáng để khán giả đặt niềm tin vào kỹ năng diễn xuất của cô nàng xinh đẹp xuất thân con nhà nòi này.
Mới bén duyên nghiệp điện ảnh không lâu, vai nổi tiếng nhất lại thuộc “bom xịt” Pacific Rim: Uprising, Cailee Spaeny nay đã thành công gây ấn tượng. Đó là Rose Summerspring – cô bé vị thành niên đang mù quáng lao theo ánh hào quang giả tạo từ gã giáo chủ Billy Lee. Ngoại hình xinh như búp bê, ánh mắt hoang dại với tất cả và đầy yêu thương lúc nhìn người yêu làm khán giả vừa thương vừa ghét cô nàng.
Nhân vật đối lập - cậu nhân viên Miles Miller với sự thể hiện xuất sắc của Lewis Pullman vừa hài hước vừa mở ra nhiều câu hỏi. Và nút thắt cuối cùng mà Miles giữ vai trò quan trọng thực sự rất bất ngờ.
Chris Hemsworth đáng giá từng đồng cát-xê. Tên giáo chủ Billy Lee lấy lòng tin người khác nhờ miệng lưỡi thuộc trình độ bán hàng đa cấp được anh thể hiện trọn vẹn. Vẫn ngoại hình thần thánh ấy nhưng ánh mắt và cử chỉ đầy điên loạn biến thái, chẳng còn sót tí gì từ vị thần Sấm anh hùng xứ Asgard. Và chắc chắn, dù là hình ảnh anh mặc sơ mi trắng, bán nude đi giữa đồng hoa hay hờ hững buông nút dạo bước dưới mưa có lực sát thương vô cùng mãnh liệt. Nhất là với khán giả nữ.
Khá đáng tiếc khi nam diễn viên sở hữu hai quả cầu vàng Jon Hamm mờ nhạt, lép vế hẳn trước những vị khách có tính cách, số phận và quá khứ phức tạp còn lại ở khách sạn El Royale.
Dù rằng, kịch bản đã hơi sơ sẩy vì dễ khiến người xem tinh ý đoán được ai sẽ là kẻ sống sót sau cùng nhưng Bad Times vẫn tràn đầy bất ngờ từ đầu đến cuối. Chỉ tiếc rằng, nếu Drew Goddard “máu me” hơn nữa, “chịu chơi” hơn nữa, “phá cách” hơn nữa như người đàn anh Quentin Tarantino, hẳn Bad Times At The El Royale sẽ càng ấn tượng và sâu sắc hơn.