Điều mà điện ảnh Việt đang thiếu, đang loay hoay tìm kiếm, để khiến người xem cảm thấy đôi chút bơ vơ mỗi lần lựa chọn phim ở rạp, bỗng nhiên được gọi tên rõ ràng bằng sức hút không ngờ đến của chỉ một trailer “Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh”, thế nào đó, lại trở thành niềm hi vọng và hình dung về một nền điện ảnh có được đúng “linh hồn” của nó, gần gũi và là một phần của người Việt Nam.
Một ngày tháng 5, bỗng nhiên Facebook cũng như các mạng xã hội khác ngập đầy những chia sẻ về một trailer phim. Chưa phải một trailer hoàn chỉnh, và cả tên gọi cũng chưa là chính thức cuối cùng, thậm chí ngày phát hành còn ở rất xa. Nhưng hiệu ứng mang lại thì vượt quá mọi mong chờ. “Dear Brother” (Em trai yêu dấu), tên gọi lúc ấy, hay cái tên “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chọn theo nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau này, trở thành một hiện tượng trong nhiều tuần liền.
Victor Vũ, đạo diễn của những “Giao lộ định mệnh”, “Quả tim máu”... đứng tên chỉ đạo cho bộ phim này, với kịch bản chuyển thể của nhà biên kịch Việt Linh. Lại một sự bất ngờ lớn, bởi Victor trước giờ chỉ làm phim trinh thám và kinh dị, hoặc liên quan đến tâm linh với những nút thắt mở, như sở thích của anh. Câu chuyện giản dị, sáng trong về hai anh em ở một làng quê nghèo, dường như ngược hẳn với thể loại Victor vẫn làm.
Việc anh đến với tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cũng là một cái duyên. Victor từng tâm sự rằng anh không hề gặp khó khăn trong việc kết nối với hai anh em trong truyện. Một số thời điểm, anh còn rơi nước mắt vì Thiều, một nhân vật gợi đến chính mình ngày thơ bé. Victor từng “xua đuổi” cậu em trai tên Bờm khi cậu lẻo đẻo bám theo anh khắp mọi nơi, và có lần còn... đá em trai té ngã, để rồi mủi lòng khi nghe em nói “Em chỉ muốn chơi với anh thôi mà.” Anh nói, cả về mình và về câu chuyện: “Những đứa trẻ, có khi chúng tàn nhẫn và ích kỷ với nhau để học cách yêu thương nhau.” Đó cũng là tông chính trong mối quan hệ của hai anh em trong phim.
Nhưng dù là thế, hẳn nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ khi phong cách phim của anh giữa Hoa Vàng và các phim trước đó, là quá khác biệt.
Ấy vậy mà Hoa Vàng của anh lại chạm được đến khán giả, dù chỉ bằng một trailer chỉ dài 3 phút, theo cách tự nhiên nhất và khó ngờ nhất. Không tốn một đồng quảng cáo nào, người ta tự động chia sẻ, bình luận, ngợi khen, và cứ thế nhân rộng những hình ảnh đầu tiên của bộ phim cho những người khác biết. Có thể gọi là một “cơn lũ” của những lời khen tặng đã ập đến, khen cho những cảnh quay ở Phú Yên và màu phim tuyệt đẹp, khen cho những hình tượng gần gũi đậm chất làng quê Việt, khen cho biểu cảm ấn tượng của cậu bé Thịnh Vinh trong vai Thiều, và ngay cả phần âm nhạc cũng gây sốt.
Bản nhạc lồng trong trailer, một bản phối lại bài hát “Thằng cuội” quen thuộc bằng guitar mộc mạc, nhanh chóng chiếm được cảm tình người nghe. Vì chưa có bản chính thức, người ta đành cắt nhạc trong trailer ra và lặp lại thành độ dài 30 phút để nghe. Giờ đi bất kỳ quán cafe nào, khách cũng có thể bắt gặp những câu hát trong trẻo “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to...” đang vang lên. Có lẽ chưa có một trailer phim Việt nào có sức lan tỏa lớn đến như thế.
Không khó để lý giải cho sức hút từ Hoa Vàng. Đầu tiên là vì phần trailer được thực hiện rất tốt, hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và âm nhạc. Victor Vũ đang ngày càng lên tay ở cả kỹ thuật làm phim và tư duy điện ảnh, những góc quay và màu phim tuyệt đẹp, như cảnh flycam đoạn đầu và cảnh quay chậm từng giọt mưa rơi khi Thiều ôm con cóc chạy ở đoạn cuối, là những cảnh quay hiếm có trong phim Việt. Phim lại được chọn chuyển thể từ sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn được yêu mến rộng rãi bởi những tác phẩm thiếu nhi và sự gần gũi. Quyển sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng khá nổi tiếng và ăn khách, thậm chí còn đoạt được giải thưởng ASIAN khi ra mắt hồi năm 2010.
Thế nhưng nếu chỉ có “đẹp” thì chẳng thể nào tạo ra được hiệu ứng lớn như vừa rồi. Đọc lại hầu hết những lời khen tặng dành cho Hoa Vàng ở các lời bình luận, khán giả không khen bộ phim đẹp hay sáng tạo nhiều. Mà họ thường kể lại những kỷ niệm tuổi thơ, những cảnh tượng làng quê trong ký ức, những trải nghiệm trong trẻo lúc thiếu thời. Cái chạm đến đầu tiên với họ, là cảm xúc. Hoa Vàng gợi về cho họ cái cảm giác được trở lại tuổi ấu thơ, và đúng là tuổi thơ họ đã trải qua, với khăn quàng đỏ, với lồng đèn trung thu, với bờ đê, cánh đồng, với cánh diều vi vu... Ngay cả “Thằng Cuội” cũng là một giai điệu thân thương, thế là gợi nhớ.
Cái gợi nhớ của Hoa Vàng lại đến vào lúc người ta chẳng có gì để gợi nhớ ở điện ảnh Việt, vốn đang dần đánh mất bản sắc của mình trong nền điện ảnh hiện đại. Những tựa phim chiếu rạp trong những năm qua, nếu không phải hài hước thì là kinh dị, hoặc đôi chút hành động, nhưng đều không có chút không khí Việt Nam nào trong đó. Phim thị trường không có mục tiêu cao xa như thế. Trong khi các phim nhà nước thì vẫn bám lấy các chủ đề chiến tranh, dân tộc, nhưng không tạo được sự liên kết với người xem. Chỉ một vài đạo diễn có tài như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, hay gần đây là Nguyễn Hoàng Điệp là mải miết đi tìm, nhưng cái gọi là “bản sắc riêng” thì vẫn còn đang lửng lơ đâu đó.
Không cần so với các nền điện ảnh khu vực như Thái Lan, Campuchia... vốn đang bỏ xa chúng ta (năm 2014 bộ phim The Missing Picture – Bức ảnh mất tích của Campuchia được đề cử Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài, còn trước đó bộ phim Thái “Chú Boonmee người nhớ được tiền kiếp” đã giành giải cao quí “Cành cọ vàng” tại Cannes 2010). So với chính mình trước kia, phim Việt cũng đang tụt hậu. Như việc giải Cánh Diều Vàng trở thành một giải thưởng nội bộ, và thậm chí còn không được lên sóng truyền hình vì chẳng ai xem.
Như việc mỗi năm, đến các LHP Quốc Tế hoặc tranh tài Oscar, các bộ phim Việt Nam gửi đi đều là những phim với các đề tài chiến tranh đã xa lơ xa lắc, và không có hơi thở thực tế. Đó là đi ngược, bởi dòng chảy điện ảnh hiện nay đang dịch chuyển về những thứ mang tính địa phương, mang linh hồn địa phương và cá thể hóa hơn, và hiện thực hơn. Thế nhưng điện ảnh Việt hiện nay không “bắt” được cái linh hồn đó.
Nên trailer phim Hoa Vàng, dù lấy bối cảnh ở thập niên 80, 90 xa xôi, lại gây được ấn tượng với người xem. Bởi trước hết, đó đúng là Việt Nam mà họ muốn xem. Không phải là Việt Nam của những chuyện ma quỉ, của những âm mưu độc ác, giật gân lúc cuối phim đậm chất phương Tây, không phải của những chuyện hài nhạt ngày Tết, của thế giới ca sĩ người mẫu hào nhoáng theo kiểu Hàn Quốc. Mà giản dị là Việt Nam, với đường làng quanh co, với đồng lúa xanh ngát, với con trâu còn bò, và với những con người “Việt” từ quần áo đến đời sống. Đó còn là một làng quê Việt Nam rất đẹp, để biết rằng nếu muốn, các đạo diễn Việt vẫn có thể tạo ra một Việt Nam đẹp đẽ mà vẫn chân thực trên màn ảnh.
Nói là như một “cốc nước” giải khát khi đang thiếu vắng cái hồn Việt đó cũng đúng. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, bởi vì khán giả đã phải chờ đợi cốc nước ấy quá lâu.
Trước mắt, cho đến ngày bộ phim chính thức phát hành, vẫn chưa thể hứa hẹn chắc chắn gì về chất lượng của Hoa Vàng. Ngay cả ở Hollywood (và bất kỳ nơi nào khác), một trailer hay không chắc đảm bảo cho một bộ phim hay. Một trailer hay chỉ đảm bảm cho một cơ hội lớn có được một bộ phim hay. Nhưng có thể nói ngay được rằng, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có rất nhiều yếu tố để chờ đợi, để hi vọng.
Những ai từng đọc quyển sách của Nguyễn Nhật Ánh sẽ thấy rằng, nội dung có nhiều điều hơn chỉ là tình cảm anh em hay những rung động đầu đời. Đó còn là một lát cắt làng quê Việt khốn khó, với những con người chân chất nghĩa tình. Là ông Tám vì thương con phải giả điên, là ông thầy thuốc cố tình để hộp cam thảo xuống thấp để dễ “trộm”, là người mẹ phải bôn ba để cho con miếng cơm thịt... Sự nghèo khổ dù được giảm nhẹ bởi văn phong trong sáng trẻ thơ, nhưng vẫn day dứt đến nao lòng.
Dù chưa có gì nhiều, nhưng những cảnh phim có trong trailer cũng mang đến không khí tương tự, thậm chí còn chân thực hơn. Như một cảnh Thiều ngồi trên mái nhà ngập nước với đôi mắt thẫn thờ. Hay cảnh ba đứa trẻ nhìn ra ngoài cửa sổ trong trời mưa tầm tã. Ngôn ngữ và tư duy điện ảnh, cũng như những sáng tạo và dấu ấn của anh là rất đậm nét, dù chỉ ở vài cảnh ngắn ngủi. Khiến người ta tò mò về việc bộ phim thật sự sẽ ra sao. Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên nhí là rất ấn tượng. Ngoài Thanh Mỹ đã khá quen thuộc sau bộ phim Đoạt Hồn năm 2014, mọi sự chú ý đều dành cho Thịnh Vinh trong vai Thiều. Ánh mắt và biểu cảm của em là đầy ám ảnh, tạo nên cái hồn cho nhân vật và đáng để chờ đợi.
Victor Vũ nói rằng, Hoa Vàng không hề là một sự chuyển hướng, mà là một sự trở về cho điều anh muốn làm đầu tiên khi đến với điện ảnh: làm phim về gia đình. Giống như những bộ phim trước, dù ở thể loại nào, Vũ cũng đều muốn mang đến không khí Việt, điều mà anh không được trải qua. Ở bộ phim đầu tiên quay tại Việt Nam Oan Hồn Tại Quê Nhà, do không xin được giấy phép, anh đã phải mượn nợ để xây dựng bối cảnh Việt tại Mỹ. Mặc cho nhiều người khuyên rằng “lấy bối cảnh Mỹ đi!” cho đỡ tốn kém. Trong Victor luôn có cái khát khao được miêu tả vùng đất quê hương, điều mà anh không được trải qua bởi sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Anh cũng nói rằng, với riêng anh, thực hiện bộ phim này vừa khó vừa dễ. Khó vì phải khai thác một tuổi thơ mà anh không có. Nhưng dễ vì đây là một câu chuyện giàu cảm xúc và rất con người, nói lên những điều mà mọi người đều có thể cảm nhận.
Còn đối với khán giả, ngoài việc chờ đợi một bộ phim hay, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh còn là một hạt mầm của hy vọng. Hy vọng rằng các nhà làm phim có thể bắt đầu như thế, từ những tác phẩm giản dị và chân thực về cuộc sống và con người Việt, để từ đó tìm lại bản sắc đang dần đánh mất ở nền điện ảnh này. Để mang đến cho khán giả cái nhìn về đất nước họ, cứ thế đã, chứ chưa cần là những tác phẩm đao to búa lớn hay giành nhiều giải thưởng.
Rồi từ đó, sẽ có thể tạo nên một nền điện ảnh không còn xa lạ mà gần gũi, rất Việt Nam và của Việt Nam.
[PREVIEW] FANTASTIC 4: BỘ TỨ SIÊU ĐẲNG ĐÃ SẴN SÀNG XUẤT TRẬN
MISSION IMPOSSIBLE 5: XUẤT SẮC NGOÀI MONG ĐỢI , ĐỐI THỦ XỨNG ĐÁNG CỦA SPECTRE