[Preview] Mad Max 4: Biên Niên Ký Chiến Binh Cô Đơn

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

36 năm sau phần đầu tiên, và tròn 30 năm kể từ phần 3 Mad Max Beyond The Thunderdome, đạo diễn người Úc George Miller đã có thể đưa người hùng biểu tượng của ông trở lại. Nhưng trước khi đến với phần 4 siêu phẩm Mad Max: Fury Road đang nhận được cơn bão tán dương từ giới phê bình, sẽ tốt hơn nếu chúng ta quay lại một chút với gã chiến binh cô độc đã làm nên tên tuổi của Mel Gibson.

Giàn thiên thần trong xa mạc của Max Điên: Con Đường Tử Thần

Hậu tận thế giả tưởng

Dù xa lạ với phần đông khán giả Việt Nam, nhưng Mad Max là một loạt phim hành động kinh điển và có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng ở phương Tây nói chung. 3 phần phim trước đều lần lượt được xuất bản thành tiểu thuyết, truyện tranh, trò chơi điện tử và vô vàn hình thức giải trí khác. Ngoài ra, Mad Max còn có sức ảnh hưởng to lớn đến phong cách làm phim của cả một thế hệ đạo diễn lừng danh sau này, trong đó có Guillermo Del Toro, David Fincher, James Cameron...

Mad Max tái hiện lại hậu tận thế giả tưởng

Điều đặc biệt, đạo diễn người Úc George Miller, vốn không xuất thân từ điện ảnh. Và ý tưởng cho bộ phim đến cũng khá kỳ quặc. Miller vốn là một bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Sydney, và trong quá trình làm việc, ông đã chứng kiến rất nhiều cảnh tai nạn xe cộ khá đáng sợ. Năm 1971, ông tình cờ gặp một nhà làm phim nghiệp dư tên Byron Kennedy, và cả hai cùng có chung một mối quan tâm về vấn đề bạo lực. Họ cùng sản xuất một phim ngắn tên Violence in the Cinema (Bạo lực trong điện ảnh), và nhận được vài giải thưởng nhỏ.

8 năm sau, cả hai quyết định thực hiện một phim dài, với cốt truyện kết hợp giữa hai màu sắc đó: đua xe và bạo lực. Họ may mắn tìm được nhà biên kịch James McCausland, người đã sẻ chia mối bận tâm sâu sắc về cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 ở Úc. Trong khi Miller tin rằng khán giả sẽ thấy thoải mái hơn nếu chất bạo lực đó nằm ở một tương lai hậu tận thế giả tưởng. Cả hai nhanh chóng tìm thấy sợi dây dẫn cho cốt truyện, và đốt cháy nó: một tương lai nơi cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến sự bùng nổ loại tội phạm cao tốc, nhiên liệu trở thành vấn đề sống còn, và người hùng sẽ là một gã quái xế không biết đến ngày mai.

Việc tìm được người hùng, mà sau đó đã trở thành một trong những diễn viên vĩ đại nhất thế hệ ông, Mel Gibson, hoàn toàn tình cờ. Gibson, khi ấy mới 21 tuổi, mới chỉ có một phim điện ảnh là Summer City, đến thử vai với một người bạn “cho vui”. Điều đáng nói là tình trạng anh ngày hôm đó, không khác gì một tên ma cô. Anh đã tẩn nhau với ba gã trong quán rượu đêm hôm trước, dẫn đến gương mặt biến dạng với mũi sưng, cằm bể và nhiều vết thâm tím. “Trông như quả bí ngô màu xanh lẫn đen”, anh nói.

Tuy nhiên, người thử vai đã cực kỳ ấn tượng với bộ dạng nhếch nhác đó. Anh ta nói rằng “chúng tôi cần những gã lập dị” và bảo Gibson quay lại sau hai tuần. Tính cách nóng nảy vốn làm hại anh rất nhiều lần sau này, riêng lần đó, đã giúp Gibson có được vai diễn quan trọng nhất trong sự nghiệp.

Chinh phục thế giới

Mad Max phần đầu tiên ra mắt công chúng vào ngày 12/4/1979 ở Úc, với kinh phí gom góp tự thân của Miller và Kennedy được 400 ngàn đôla. Lấy bối cảnh ở một thành phố tương lai giả tưởng, đặt trong bầu không khí u ám, đe dọa của các băng nhóm tội phạm mô tô, và cuộc đối đầu của chúng với một lực lượng cảnh sát đặc biệt có tên Main Force Patrol. Mel Gibson vào vai Max, sĩ quan với kỹ năng lái xe xuất sắc, sau khi tiêu diệt một tên tội phạm đã phải nhận lấy sự trả thù của cả một băng đua xe đông đảo. Bọn chúng đã truy đuổi và giết chết vợ con ngay trước mắt anh, không biết rằng đó là sai lầm cuối cùng chúng có thể phạm phải.

Mad Max là một bộ phim nhuốm đầy màu bạo lực, với đầy đủ các hành vi tội phạm ghê rợn như hãm hiếp, tra tấn, giết hại trẻ em... được thể hiện trực diện và dễ gây sốc. Bộ phim còn mang đến cảm giác ngột ngạt và điên loạn với những tên tội phạm ăn mặc kỳ quái, khát máu, và có hành vi như những tên tâm thần. Nhưng Miller, dù chưa có nhiều kinh nghiệm đạo diễn, đã thổi được vào đó nguồn năng lượng bất tận, sự tươi mới, cũng như khả năng chỉ đạo những cảnh đua xe hấp dẫn tài tình, đã chinh phục cả thế giới.

doanh thu mad max dat duoc

Hoàn toàn ngoài dự đoán, Mad Max đã thu về đến 100 triệu đôla trên toàn cầu, gấp... 250 lần số vốn bỏ ra.  Và trong 20 năm liền, bộ phim này giữ kỷ lục Guiness cho phim sinh lời nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, trước khi bị vượt qua bởi phim The Blair Witch Project vào năm 1999. Tên tuổi Mel Gibson và cả George Miller lập tức vươn lên tầm Quốc tế. Vốn không hề có ý định từ trước, nhưng bộ phim lập tức được khởi động thành loạt phim với hai phần kế tiếp The Road Warriors và Beyond The Thunderdome vào các năm 1981 và 1985.

Ở hai phần này, nhân vật chính Max đã trở thành một tên lính đánh thuê cô độc và lang thang trong sa mạc, và trở thành một huyền thoại được truyền lại trong những câu chuyện kể. Max lần lượt giúp đỡ những kẻ gặp nạn trong cuộc chiến chiếm đoạt nguồn dầu ở phần 2, và lật đổ một thị trấn tội phạm tên Bartertown ở phần 3. Không như những phần “ăn theo” của các loạt phim khác, vốn đuối sức và chỉ bám lấy thành công phần đầu, George Miller thật sự tạo ra những kiệt tác và thể hiện sức sáng tạo tuyệt vời của mình, dù gây ra khá nhiều tranh cãi.

Nhà bình luận nổi tiếng Roger Ebert của tờ Chicago Suntime, đã đánh giá 2 phần này lần lượt 3,5 và 4 sao (tối đa). Khi bình luận về phần 3, ông viết: “Nó không được phép xảy ra theo cách này. Phần tiếp không được phép hay hơn phần đầu. Và phần 3 không được phép tạo ra một thế giới phức tạp hơn, huyền ảo hơn, và có tính giải trí hơn 2 phần đầu. Nhưng Mad Max Beyond The Thunderdome, không chỉ là phim hay nhất trong loạt Mad Max, mà còn là phim hay nhất trong năm 1985”. Cảnh chiến đấu đến chết trong lồng sắt Thunderdome được ông đánh giá “một trong những cảnh hành động sáng tạo nhất của điện ảnh”.

Nhưng với phần đông công chúng và giới bình luận, thì phần 2 The Road Warrior mới thật sự là tuyệt tác. Bộ phim hiện tại vẫn được xếp hạng tối đa 100% “tươi” từ trang Rotten Tomatoes, giành được vô vàn giải thưởng Quốc tế. Năm 2008, tạp chí Empire đã xếp bộ phim này vào Top 500 phim hay nhất mọi thời đại. Tương tự, tờ The New York Times dành chỗ cho Max 2 trong danh sách 1000 phim hay nhất của họ. Trong khi đó, tờ báo uy tín Entertainment Weekly vào năm 2013 đã xếp bộ phim vào hạng thứ 41 trong 100 phim Vĩ đại nhất mọi thời đại, còn nhân vật Max “điên” xếp thứ 11 trong “100 anh hùng tuyệt nhất văn hóa đại chúng.”

Phức tạp và tinh tế

Ban đầu, Mad Max chỉ đơn thuần là một phim giải trí thông thường, theo kiểu Fast And Furious nhưng của thời đại cũ. Tuy nhiên, hoặc là do tầm nhìn xa rộng hoặc do tình cờ, Miller đã đặt được “tông” cực kỳ vững chắc để phát triển cả loạt phim sau này. Đó là một thế giới khô khốc của sa mạc, của cát bụi, của cơn đói khát vô tận nhiên liệu, của các thiết kế trang phục và xe cộ kỳ lạ đậm chất gothic, vừa hầm hố vừa kỳ khôi, của các kiểu nhân vật với tính cách thú vị và vô cùng đáng nhớ: người ta sẽ không thể quên được gã Toecutter tàn bạo ở phần đầu,  gã thủ lĩnh The Humugus ở phần 2 với tấm che mặt đáng sợ  và những lời thoại thú vị, cũng như “nữ hoàng” Bartertown Aunty ở phần 3.

cuộc chiến tranh giành nhiên liệu được nhiều người xem như tái hiện lại các cuộc chiến dầu mỏ và năng lượng trên thế giới.

George Miller đã phát triển các thế giới ngày một phức tạp hơn, tinh tế hơn, và giàu chi tiết hơn. Ở phần 2, cuộc chiến tranh giành nhiên liệu được nhiều người xem như tái hiện lại các cuộc chiến dầu mỏ và năng lượng trên thế giới. Trong khi, thế giới của những cơn bão cát khổng lồ ở phần 3, với sự xuất hiện của đám trẻ nhỏ và ước mơ hão huyền chạm đến nền văn minh đã mất, như một câu chuyện tái sinh trong kinh thánh thu nhỏ, mang màu sắc tôn giáo rõ rệt. Và sức sáng tạo của Miller và các nhà biên kịch, đã biến những thế giới ấy trở nên chân thực và đáng để khám phá.

Trong Mad Max, không có chỗ cho những thứ sến súa hay câu kéo. Sức hấp dẫn, chính là chất phim mà George Miller đã tạo ra, một thế giới vô cùng tàn khốc nơi tất cả đều có thể xảy ra. Max là “người hùng” không có nghĩa là anh sở hữu bất kỳ điều gì vượt trội. Mọi nhân vật (kể cả phụ nữ, thú vật...) đều có thể chết bất kỳ lúc nào, và chết theo những cách rất đau đớn. Sự chân thực đó góp phần tạo nên một thế giới có phần khác lạ, kém an toàn hơn so với những phim cùng loại. Phần phim mới nhất, Fury Road, Miller cũng không ngần ngại để xếp hạng “R” (cấm người dưới 17 tuổi) dù có thể ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu.

Các màn hành động được làm rất chắc tay và đầy cảm hứng, ngay cả đối với tiêu chuẩn hiện đại, đặc biệt là các cảnh cao trào ở hồi thứ 3 đều rất xuất sắc. Dù ra đời cách đây đã lâu, thì cách bố trí các góc máy, cách dẫn dắt các trường đoạt, cách sắp đặt chi tiết của Mad Max vẫn đầy giá trị học hỏi. Trong khi đó,  linh hồn của phim, thứ khiến bộ phim không bao giờ nhàm chán, là ở nhân vật chính của Mel Gibson. Sau phần đầu có phần hơi “cứng” và có vẻ thiếu kinh nghiệm, những bộ phim tiếp theo chứng kiến một Gibson tỏa sáng thật sự. Trong vai một người lính đánh thuê “không tên” trầm lặng, chất chứa nỗi đau, trong hành trình đi tìm ý nghĩa sống của mình, Gibson đã tạo nên một Mad Max rất đáng xem, đầy sức hút và có chiều sâu. Một “chiến binh cô đơn” trong một thế giới hoang tàn độc ác, thiếu vắng tình người, nhưng luôn xuất hiện như một “đấng cứu thế” cho những người đang cần đến anh. Hình ảnh Max đứng một mình giữa sa mạc trống vắng, hay mỗi cảnh cuối phim khi anh đi về phía chân trời, trở thành một hình ảnh kinh điển được sử dụng rất nhiều trong các phim khác.

Ngoài ra, phần âm nhạc cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thế giới Mad Max. Không nghi ngờ gì, Rock là âm hưởng chủ đạo của tất cả các phần phim, được ghi dấu ấn bởi nhà soạn nhạc người Úc Brian May. Miller muốn phần âm thanh phải mang màu sắc gothic đặc trưng, tương tự với phong cách của nhà soạn nhạc lừng danh Bernard Herrmann, và May đáp ứng một cách trọn vẹn điều đó. Sang đến phần 3, phần nhạc phim được chuyển lại cho Maurice Jarre, một nhà soạn nhạc người Pháp, và ông còn làm được nhiều hơn thế. Các bản nhạc rock chủ đề là We Don’t Need A Hero và One of the Living đã leo lên vị trí đầu các BXH âm nhạc của Canada, Mỹ, Anh, và tạo ra một cơn sốt với cả giới yêu nhạc thời điểm đó.

“Cơn bão” ngợi khen cho Fury Road

Từ phần 2 trở đi, cốt truyện của loạt phim đã trở thành một kiểu huyền thoại có thể phát triển đến vô cùng, mà không phải quan tâm đến thời gian hay sự kiện. Đó là lợi thế vô cùng lớn và cũng là một yếu điểm chết người khi George Miller quyết định làm phần 4 sau 30 năm. Khi ông không còn Mel Gibson bởi lý do tuổi tác. Nhưng giờ đây, Fury Road đã có Tom Hardy, một diễn viên với bề ngoài và lối diễn mang rất nhiều dáng dấp của Gibson.

Miller đã tái khởi động phần 4 bộ phim vào năm 2001, vì đó là “mong muốn cuối cùng của ông”, muốn làm một phim về Max – nhân vật gắn liền với sự nghiệp của mình. Nhưng vì nhiều lý do, ông đã phải trải qua quá trình sản xuất “địa ngục” kéo dài đến 14 năm. Cuối cùng, ông cũng đã hoàn thành bộ phim với sự tham gia của một dàn diễn viên trẻ đầy thực lực, ngoài Tom là Charlize Theron, Nicholas Hoult, Hugh Keays-Byrne... Bộ phim đã gây ấn tượng rất lớn cho cả fan cũ và mới của loạt phim ngay khi ra mắt trailer với những cảnh hành động hấp dẫn, vẫn giữa gió, lửa và cát.

     

Hiện tại, Mad Max: Fury Road đang nhận được hầu hết đánh giá 5 sao từ các trang review uy tín nhất như Empire, GameRaDar, The Telegraph... Trong khi tờ Vanityfair cho rằng “Mad Max: Fury Road có thể là điều tuyệt vời nhất bạn xem được trong hè này”. Phim đang giữ 98% trên Tomatoes, 9,3 điểm đánh giá IMDB (dù chỉ khoảng 2 ngàn bình chọn), và số điểm cao ngất ngưỡng 88/100 của trang Metacritic. Tờ Forbes khen ngợi: “Đây là một bộ phim huy hoàng và đáng nhớ, không chỉ là một trong những phim hành động hay nhất thời đại chúng ta mà còn cả nền điện ảnh,” trong khi tờ Daily Telegraph đã gọi bộ phim là “phần tiếp theo thần thánh” và một “sự bùng nổ điên loạn.”

Có vẻ như phần phim mới nhất này của George Miller đang chiếm lấy trái tim của giới bình luận, vốn rất khó tính với những bản làm lại, đặc biệt của những tác phẩm kinh điển. Còn với khán giả?

Họ sẽ có câu trả lời cho riêng mình ở rạp chiếu bóng .

“Mad Max: Fury Road” ra mắt tại Việt Nam với tựa “Mad điên: Con đường tử thần”, công chiếu tại cụm rạp Galaxy từ ngày 15/5/2015.

Đặt vé tại đây: 

Phiên bản 2D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/mad-max

Phiên bản 3D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/mad-max-1

Bài viết liên quan

Bình luận phim