Không ai nghi ngờ tài năng của Châu Tình Trì, vua hài Hồng Kông và đã nhẵn mặt với khán giả Việt, dù ở cương vị diễn viên hay đạo diễn. Sau khi khai thác đề tài Tây Du Ký theo cách vô cùng khác biệt vào năm 2013, “anh Tinh” trở lại với đề tài liêu trai hấp dẫn không kém: Mỹ Nhân Ngư hay “nàng tiên cá”.
Nàng tiên cá đó là Lâm Doãn, cô gái 19 tuổi vô danh đã vượt qua hơn 120 ngàn đối thủ để nhận vai chính tiên cá. Nhưng nàng tiên cá này không sống thảnh thởi ở biển cả, mà bị nhốt chặt cùng tộc người cá ở một xác tàu cũ. Họ đang chết dần bởi công nghệ hủy diệt do một tay triệu phú trẻ (Đặng Siêu) điều hành. Để cứu lấy đồng loại, gã Bạch Tuộc đứng đầu thủy tộc quyết định giao cho tiên cá nhiệm vụ... ám sát tay tỉ phú.
Vậy là nàng tiên cá không những không cứu người như trong truyện cổ tích, mà còn phải cầm dao giết người. Một kịch bản rất “Châu Tinh Trì.”
Nhưng khi tiếp cận hành sự, tiên cá phát hiện ra tay triệu phú (bề ngoài khá giống Tony Stark) không phải là kẻ xấu. Anh ta chỉ là một chàng trai trẻ bị ám ảnh bởi nghèo khổ, và luôn tìm mọi cách để vươn lên. Tay triệu phú, vốn quen thuộc với thế giới giàu có đầy nghi kỵ và lừa lọc, lại bị cuốn hút bởi vẻ đẹp sáng trong từ tâm hồn cô gái. Họ cảm mến nhau, nhưng tình yêu giữa người và cá vốn khó khăn, lại phải đứng giữa các trở lực nguy hiểm của tiền bạc, ghen tuông và giết chóc.
Mỹ Nhân Ngư, về cơ bản, là bộ phim sẽ tạo cảm giác quen thuộc với những người đã lớn lên hoặc gắn bó với tài tử họ Châu. Chất hài tưng tửng, sáng tạo và có phần phi thực đặc trưng không hề già đi như độ tuổi của anh – chúng vẫn rất sắc bén và đầy sáng tạo, có thể khiến những khán giả khó tính nhất phải bật cười. Chúng ta sẽ gặp lại các miếng hài hình thể và tình huống đã nhẵn mặt từ nhiều bộ phim trước. Chúng không hề mới và tạo cảm giác đã bắt gặp ở đâu đó, như khi gã Bạch Tuộc nấu bếp, hình vẽ của tay cảnh sát, hay miếng “đóng mở cửa” cổ điển (bộ phim Việt Em Là Bà Nội Của Anh cũng dùng miếng này)... nhưng chưa bao giờ nhàm chán.
Phải nói thêm rằng cũng là cùng các miếng ấy, nhưng nếu không phải do Châu Tinh Trì chỉ đạo, nhiều khả năng sẽ không đạt hiệu quả hài hước tương tự. Kinh nghiệm và tư chất giúp anh điều chỉnh và đặt các yếu tố riêng lẻ vào đúng vị trí của chúng, ví như vẻ mặt “tỉnh ruồi” của các diễn viên, hay cách họ cười cợt. Để dù “anh Tinh” không xuất hiện, người xem hẳn sẽ chẳng khó khăn gì để thốt lên: Đây đúng là phim của Châu Tinh Trì. Không sai được.
Về mặt thông điệp thì Mỹ Nhân Ngư có “người lớn” hơn các phim trước của anh. Ngoài đề cao tình yêu như thường lệ là các giá trị về bảo vệ môi trường sống, ở đây là môi trường biển. Nhưng đặt trong một tác phẩm hài đó chỉ như một chút “gia vị”, chứ không thể có đủ sức nặng. Bù lại thì câu chuyện tình yêu khá dễ thương và đáng yêu, hai diễn viên chính Lâm Doãn và Đặng Siêu liên kết với nhau khá tốt.
Nếu có điều gì đáng gọi là thiếu hụt, có lẽ là ở chất liêu trai chưa thực sự đầy đặn, bởi thời lượng phim buộc phải chia cho các phần giải thích về nguồn gốc người cá, về các loại công nghệ. Thủy tộc trong phim cũng không quá đặc biệt hay đáng nhớ, dù có được một cảnh hiệu ứng màu sắc đẹp mắt về sức mạnh của “lão bà” ở cuối phim. Hoặc do ở năm 2016, thì đề tài tiên cá đã được khai thác cạn kiệt như dầu mỏ rồi, từ phim điện ảnh cho đến hoạt hình Disney. Và nếu đặt trong sự so sánh với Tây Du Ký: Mối Tình Ngoại Truyện, người xem hẳn sẽ nhớ nhung cá tính của Thư Kỳ một chút. Bởi Lâm Doãn, dễ hiểu vì còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, chưa thể mang đến chiều sâu diễn xuất và cuốn hút như đàn chị. Nhưng chắc chắn, Mỹ Nhân Ngư sẽ là một bước ngoặt mơ ước trong sự nghiệp, đưa cô lên hàng ngôi sao ở thị trường Đại Lục.
Tựu chung, đây vẫn là một phim đáng xem của Châu Tinh Trì, cả những fan lâu năm lẫn những người chưa biết gì về anh (có lẽ hơi hiếm). Anh giống như một đầu bếp biết rành khẩu vị khán giả, và mang đến một món ăn với đúng hương vị họ muốn thưởng thức: một hành trình điện ảnh đầy tiếng cười mang thương hiệu vua hài không lẫn đi đâu được.