Là một đạo diễn tài năng nhưng lại chưa chứng tỏ được nhiều trên phương diện nhà sản xuất, James Wan là cái tên khiến khán giả chờ đợi ở Lights Out. Đây chính là đứa con chung của “bậc thầy những nỗi sợ” và đạo diễn chuyên trị thể loại kinh dị ngắn David F. Sandberg.
Lights Out mở đầu bằng cái chết đầy bí ẩn và đẫm máu của một người chồng, một người cha. Sự ra đi của ông dẫn đến nhiều hệ lụy. Người vợ đang bị trầm cảm ngày càng mất khống chế còn đứa trẻ phải sống trong nơm nớp sợ hãi khi mỗi ngày đều thấy mẹ thì thào nói một mình. Không thể chịu nổi những áp lực tinh thần quá lớn, cậu bé Martin phải cầu cứu Rebecca – cô chị cùng mẹ khác cha đã bỏ nhà đi từ rất nhiều năm về trước. Những bí ẩn được hé mở dần khiến người xem kinh hãi.
Tiền thân của Lights Out là một phim ngắn chỉ dài hơn hai phút rưỡi do chính David F. Sandberg viết kịch bản và đạo diễn vào năm 2013. Sau ba năm, bộ phim này được phát triển thành một phiên bản phim chiếu rạp dài 81 phút với nhiều tình tiết hơn, cốt truyện rõ ràng hơn và nỗi sợ hãi được đẩy lên nhiều hơn…đến tận cùng!
Cũng như các bộ phim cộp mác James Wan khác, Lights Out quy tụ một dàn diễn viên không phải hạng A Hollywood nhưng đủ khiến các mọt phim quen mặt qua nhiều vai diễn chứng minh thực lực. Chúng ta sẽ gặp lại nàng Julie tuyệt đẹp của Warm Bodies – Teresa Palmer. Lần này nàng sẽ không phải chiến đấu với zoombie mà phải chống lại một bóng ma đến từ quá khứ - đáng sợ và nguy hiểm hơn nhiều. Cùng chiến đấu với nàng là cậu bé Gabriel Bateman từng xuất hiện trong Annabelle - tuy còn nhỏ nhưng đã sở hữu một gia tài phim khá đồ sộ. Ngoài ra, chúng ta sẽ gặp lại một vài gương mặt quen thuộc như Billy Burke - cha của nàng Bella trong series Twilight, Maria Bello – nữ diễn viên tài năng sở hữu hai đề cử Quả Cầu Vàng và Lotta Losten – phu nhân kiêm “nàng thơ” xuất hiện trong các phim ngắn của đạo diễn David F. Sandberg.
Không phức tạp với nhiều tuyến nhân vật như hai phần The Conjuring, phim mới Lights Out có cốt truyện đơn giản với số nhân vật xuất hiện có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhận vai trò trung tâm, Teresa Palmer đã hoàn thành xuất sắc vai diễn và mang đến cho khán giả một Rebecca sống động. Gương mặt xinh đẹp, thân hình bốc lửa đủ giúp cô tỏa sáng ngay cả trong những phân cảnh đầu bù tóc rối tranh tối tranh sáng. Cùng với đó, kỹ năng diễn xuất tốt cũng giúp cô lột tả trọn vẹn một Rebecca đầy mâu thuẫn với yêu thương xen lẫn oán hận dành cho mẹ mình cùng sự trưởng thành của nhân vật thông qua nhiều biến cố.
Cậu bạn nhỏ Gabriel Bateman cũng gây được ấn tượng sâu đậm bằng hình ảnh Martin nhạy cảm và đầy yêu thương. Thông minh, tinh ý, Martin không hề là gánh nặng trong “cuộc chiến chống quỷ dữ” mà còn là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến kết cục phim.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng, nếu được chọn một nhân vật yêu thích trong Lights Out, sẽ nhiều người không do dự mà chọn ngay Bret – anh bạn trai đáng yêu của Rebecca. Hài hước, tinh quái một cách đầy dễ thương, Bret chính là nhân tố giảm căng thẳng trong phim, khiến cho mọi người hết thót tim lại đến cười lăn.
Là một đạo diễn nổi tiếng, cái tên các fan phim kinh dị thuộc nằm lòng nhiều năm nay nhưng ở lĩnh vực sản xuất phim, James Wan chưa có thành tựu gì nổi bật. Rút kinh nghiệm từ các dự án “chưa thành công” trước đây, Lights Out đã có sự tiến bộ rõ rệt. Bộ phim vẫn mang phong cách dọa ma thường thấy của James nhưng vừa lạ vừa quen khi được thêm vào tinh thần tự do sáng tạo của David F. Sanberg. Lần đầu tiên ngồi ghế đạo diễn một phim dài hơi, Lights Out có thể xem là một cột mốc thành công của David – một phim hay. Đây sẽ là bước đệm chắc chắn cho anh tiếp tục ngồi ghế đạo diễn một siêu phẩm tiếp theo của làng phim kinh dị - phần phim mới của Annabelle. Dĩ nhiên, thành công lần này của Lights Out ngoài tài đạo diễn và cốt truyện xuất sắc của David, cần phải ghi công cho biên kịch Eric Heisserer – từng được biết đến với Final Destination 5.
Không chú trọng giải thích quá nhiều về thân thế… con ma, Lights Out tập trung vào yếu tố quan trọng nhất – chơi trò ú tim. So với các phim kinh dị trong năm nay, nếu Before I Wake và The Conjuring 2 khiến bạn không dám ngủ thì Lights Out khiến người ta sợ bóng tối. Có thể nói, Diana là nhân vật quỷ quyệt hơn bất cứ sinh vật ma quỷ nào xuất hiện trên phim chiếu rạp từ đầu năm tới nay. Có khả năng dịch chuyển tức thời cùng nhận thức bệnh hoạn nhưng rõ ràng, so với một Diana không chần chừ giơ bàn tay đẫm máu giết người thì Valak vẫn còn là một con quỷ vô cùng hiền lành.
So với thủ pháp hù dọa của The Conjuring 2, Lights Out tàn ác hơn và cũng thích “đùa giỡn” với tâm lý người xem hơn. Các tình tiết nhân văn gia đình vẫn có như mọi phim khác có dán nhãn James Wan nhưng được chắt lọc ngắn gọn cô đọng để tăng tối đa các cảnh “đứng tim”.
Được đánh giá khá cao trên trang web uy tín Rotten Tomatoes với những lời khen có cánh về độ kinh dị nhưng dĩ nhiên Lights Out vẫn chưa đạt đến trình độ không-khuyết-điểm. Được chuyển thể từ một kịch bản phim ngắn với gu làm phim dường như bất biến của ngài đạo diễn David là mọi thứ đều dẫn tới bad ending, khi dung nhập với phong cách làm phim kinh dị theo kiểu nhân văn của James Wan, Lights Out mắc nhược điểm ở kết thúc khi có phần vội vàng. Mọi thứ được đẩy lên đến cao trào trong 95% bộ phim và kết thúc được giải quyết ngắn gọn trong 5% còn lại khiến người xem có phần hụt hẫng. Cách giải quyết rất hợp tình hợp lý nhưng người xem đã mong chờ nhiều hơn thế.
Nếu bạn muốn xem một phim kinh dị - nhân văn “thuần” James Wan, Lights Out chưa phải là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn xem một phim vừa có tình người cảm động vừa thích cảm giác bị dọa đến nhảy dựng lên tại rạp chiếu phim thì đừng bỏ qua. Xin bảo đảm, xem Lights Out sợ hơn The Conjuring 2 nhiều!