Dù lấy đề tài quen thuộc về người sói, nhưng cách tiếp cận của Howl, bộ phim kinh dị hồi hộp đến từ Anh Quốc, là hoàn toàn khác lạ. Sử dụng âm nhạc xuất sắc, diễn xuất ở mức ổn, các màn hù dọa và máu me được làm khá tốt, Howl đạt được mục đích ở cả phần hù dọa lẫn ám ảnh, một bộ phim đáng giá trong tình cảnh bội thực các kiểu nhà ma cầu hồn gần đây.
Ở cảnh phim đầu tiên, khi nhân viên soát vé Joe (Ed Speleers) đi ngang qua sân ga đông đúc, đạo diễn Paul Hyett đã tạo ra được đúng không khí mà bộ phim cần đến bằng sự kết hợp giữa hình ảnh và âm nhạc khá tuyệt. Không rõ ai là người làm nhạc cho phim, bởi không có thông tin giới thiệu trên các trang web, nhưng âm nhạc là điểm sáng đáng chú ý nhất của Howl. Ở mỗi trường đoạn sau, dù là hù dọa hay cao trào, phần nhạc vẫn thể hiện xuất sắc và nâng tầm cho các cảnh phim, tương tự cách mà Rich Vreeland đã làm với phần nhạc của It Follows hồi đầu năm.
Howl thuộc kiểu phim kinh dị tình huống, có phần khác biệt với mặt bằng ma quỷ chung hiện nay ở rạp. Joe lẽ ra đã hết ca trực, nhưng vì thiếu người, anh buộc phải làm thêm ca đêm đến 1 giờ sáng. Joe tạo cảm giác gần gũi và thương cảm, bởi sự chán nản trong cuộc sống của anh. Rất đời thường. Anh vừa bị từ chối thăng chức, phải lòng cô gái đồng nghiệp Ellen (Holly Weston), nhưng bị từ chối khi mở lời, và sắp sửa trải qua một buổi tối tẻ nhạt khác. Nhưng rồi đoàn tàu gặp sự cố và phải dừng lại giữa rừng vắng, trước khi một tiếng hú văng vẳng xuất hiện, và người lái tàu biến mất.
Bộ phim diễn ra mượt mà từ những phút đầu tiên. Chúng ta có đủ thời gian để biết tất cả các nhân vật có mặt trên chuyến tàu, từ gã mập, cô gái lóc chóc khó chịu, cho đến hai vợ chồng già hiền lành... Hyett dẫn dắt rất ổn, dù số lượng nhân vật không ít. Cá tính mỗi người cũng thể hiện khá rõ. Phim có được không khí huyền hoặc ám ảnh bởi khung cảnh đêm mưa, với chuyến tàu lao thẳng vào bóng đêm như thể đi vào cơn ác mộng.
Nếu như các phim ma quỷ hiện tại lợi dụng bối cảnh nhà ở quen thuộc để tạo sợ hãi, thì Howl đánh vào hoàn cảnh bất lực không lối thoát. Nó khiến người xem phải tự hỏi rằng, nếu ở vào hoàn cảnh đó, họ sẽ làm gì? Đây là thể loại không hề xa lạ, có thể nhắc đến như The Mist hay Rec năm 2007, và đòi hỏi phải vừa làm tốt ở cả mặt hù dọa và tâm lý nhân vật. Khi phải đối mặt với vấn đề sống chết, họ sẽ thể hiện bản tính người như thế nào? Họ sẽ lựa chọn ra sao để sống sót, sẽ giúp đỡ hay lợi dụng hay thậm chí đẩy nhau vào chỗ chết?
Dù rằng Howl không đủ chiều sâu để khai thác ổn thỏa hoặc đủ sức ấn tượng khía cạnh này, thì vẫn ở mức chấp nhận được để theo dõi câu chuyện. Và đủ lôi cuốn để khiến người xem quan tâm đến các nhân vật. Nội dung phim không quá khó đoán, nhưng mỗi trường đoạn đều được thực hiện chắn chắn. Tất nhiên, chúng ta đều sẽ đoán được con quái vật ngay từ những phút đầu tiên, nhưng không vì thế mà thấy nhàm chán. Tạo hình của chúng có hơi khác biệt và có phần ghê tởm, nhưng quan trọng nhất, là cảm giác chân thật. Phần kỹ xảo đảm bảo tốt điều này. Howl là cơn ác mộng chúng ta cảm thấy rằng có thể trở thành sự thật ở nơi nào đó.
Không khiến người xem phải giật mình nhiều, bộ phim đe dọa họ bằng không gian tàu ám ảnh, và cả khu rừng bao quanh. Đạo diễn Hyett khéo léo xen kẽ các màn hù dọa với những khoảnh khắc vui nhộn (như anh mập trong toa-let) và khiến phim rất dễ theo dõi, kể cả những cảnh sẻ chia câu chuyện, điều sẽ xảy ra nếu ta bị nhốt ở một nơi với những người lạ. Dù có hơi trúc trắc ở phần giữa phim, khi khai thác các chủ đề về lòng tốt và sự ích kỷ, Howl vẫn đảm bảo một đoạn kết ấn tượng. Một lần nữa phải khen ngợi phần âm nhạc, nó giúp cho bộ phim tránh khỏi quỹ đạo tầm tầm của những phim kinh phí thấp, và để lại dư vị khác biệt khi kết thúc.
Ngoài ra là diễn xuất rất tốt của nam chính Ed Speleers, vẻ ngoài đáng tội nghiệp của anh phù hợp với diễn tiến phim. Anh gợi đến những con người ta vẫn thấy ở mọi nơi, với ánh mắt cam chịu và trải qua một cuộc đời không màu nhàn nhạt, cho đến khi hoàn cảnh ập tới và tự mình tỏa ra ánh sáng. Như người ta thường nói, “sống” ở một khoảnh khắc còn đáng giá hơn tồn tại le lói cả trăm năm. Howl là một phim hay, dù có hơi lạ lẫm với chất giọng Anh vốn không mấy khi xuất hiện ở rạp Việt. Và nối tiếp It Follows, chứng minh rằng với thể loại kinh dị, kinh phí thấp vẫn có thể làm ra những tác phẩm giải trí ổn thỏa. Chỉ cần chọn cách tiếp cận đúng và tài năng của đạo diễn. Và Howl có cả hai điều này.
Insidious 3: Thế Giới Quỷ Quyệt Đáng Sợ Nhưng Gần Gũi
Maze Runner The Scorch Trials: Hoành Tráng Hơn Và Chạy Nhiều Hơn!
San Andreas: Trải Nghiệm Thảm Họa Động Đất Chân Thực Và Đáng Giá