Điều đáng xem nhất của Ip Man 3, phần cuối cùng của loạt phim về vị võ sư nổi tiếng Diệp Vấn – được biết đến nhiều nhất là sư phụ của huyền thoại Lý Tiểu Long, lại không phải ở võ thuật. Mà là ở câu chuyện gia đình, tình cảm vợ chồng, có thể gọi là tình yêu, giữa ông và người vợ Trương Vĩnh Thành. Để dù tổng thể có bấp bênh và tạo cảm giác lặp lại, Ip Man 3 vẫn là một hồi kết đẹp cho loạt phim võ thuật thành công nhất trong vòng 10 năm qua.
“Còn gì để có thể làm phim về Diệp Vấn?” Đó hẳn là câu hỏi không chỉ dành riêng cho khán giả, mà còn cho những người thực hiện, bao gồm đạo diễn Diệp Vĩ Tín, biên kịch Huỳnh Tử Hằng và ngôi sao Chân Tử Đan. Không phải là câu hỏi dễ trả lời. Hai phần đầu tiên đều có hướng tiếp cận đúng, theo chân vị võ sư từ những ngày ở núi Phật Sơn cho đến khi bôn ba gầy dựng võ đường ở Hồng Kông. Khác với các nhân vật huyền thoại khác như Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc… vốn làm bao nhiêu phần phim tùy thích theo trí tưởng tượng biên kịch, chất tiểu sử trong Diệp Vấn rõ ràng và nặng ký hơn. Vì thế, có một giới hạn cho những sáng tạo của các nhà làm phim.
Sự thật rằng, việc chất liệu thực tế không còn dồi dào như hai phần trước, bởi cuộc đời Diệp Vấn về sau không còn nhiều biến động, buộc câu chuyện trong Ip Man 3 phải tự lặp lại chính mình. Chúng ta sẽ bắt gặp lại những mô típ đã có ở hai phần trước đó. Trương Thiên Chí (Trương Tấn), một võ sư Vịnh Xuân muốn gầy dựng tên tuổi bằng cách thách đấu các võ phái khác, giống với Kim Sơn Trảo (Phàn Thiếu Hoàng). Viên cảnh sát Ba Béo (Trịnh Tắc Sĩ) phải phục tùng người ngoại quốc, để rồi sau đó dũng cảm chống lại, là phiên bản khác của cảnh sát Lý Chiêu (Lâm Gia Đống). Myke Tyson vào vai “gã Tây” quen thuộc trong phim võ thuật Trung Quốc nói chung, từng xuất hiện với phiên bản da trắng ở phần 2.
Có rất nhiều khía cạnh mà Ip Man 3 thua kém toàn diện so với các phần trước, ngoài việc thiếu vắng sự mới mẻ. Chỉ đạo võ thuật là điều dễ nhận thấy nhất. Hồng Kim Bảo được thay thế bằng Viên Hòa Bình – chính là người đã đưa Chung Tử Đơn vào con đường điện ảnh vào năm 1983 – trượt vào con dốc đã bắt đầu từ phần 2, khi biến Diệp Vấn từ con người trở thành siêu nhân. Đúng như lời nói vui của Chân Tử Đơn, nếu có phần 4 chắc anh phải chiến đấu với người ngoài hành tinh. Dù giỏi võ đến mấy, nhưng việc một người chống được hàng chục người (cùng vũ khí) như trong phim, là quá phi thực. Trong khi điều khiến Ip Man thành công, là việc tập trung vào các kỹ thuật chiến đấu đẹp mắt. Mỗi cảnh võ thuật trong phần 3 này đều là một phiên bản kém hơn từ các phần trước đó, dù có sự xuất hiện nhiều trường phái khác nhau: ngoài Vịnh Xuân, là Quyền Anh và Muay Thái. Chúng ta thấy rõ sự sắp đặt các bối cảnh hành động, chứ không còn được dẫn dắt tự nhiên thuyết phục như trước.
Diễn xuất cũng là một sự xuống cấp. Mike Tyson có lẽ chỉ hợp với các vai khách mời, như trong The Hangover. Còn khi phải vào một vai thực sự nào đó, anh trông như đứa trẻ lần đầu lóng ngóng trước ống kính. Cốt truyện phụ của đại đệ tử Diệp Vấn với cô giáo trẻ bị bỏ lửng giữa chừng. Mối quan hệ cha con của Trương Thiên Chí (gọi nhau là sư phụ-đệ tử) lẽ ra có thể sâu sắc hơn. Cũng như tình thầy-trò giữa vị sư phụ và tay giang hồ tên Sanh. Rất nhiều thứ không trọn vẹn về mặt tổng thể. Và những người chờ đợi câu chuyện về huyền thoại Lý Tiểu Long, như được gợi ý cuối phần 2, sẽ phải thất vọng không nhỏ.
Nhưng vì sao Ip Man 3 vẫn là một phim hay?
Chúng ta sẽ phải tự hỏi lại rằng, điều gì khiến Diệp Vấn trở thành một phim võ thuật khác hẳn các phim cùng thể loại khác? Câu trả lời là ở nhân vật. Phim Kungfu đã cho ra đời bao nhiêu anh hùng võ công phi phàm, khí khái ngất trời, nhưng có lẽ chưa từng có một tính cách nào như Diệp Vấn. Tử tế, nhỏ nhẹ, trọng đạo lý, gần như không bao giờ nổi giận (trừ một lần đấu với các võ sinh Nhật) và ghét bỏ người khác, Diệp Vấn giống với một vị thánh. Tuy nhiên, điểm xuất sắc nhất mà Ip Man đã làm được từ phần đầu tiên, vào đẩy lên cao trào ở phần cuối này, là khiến ông trở nên gần gũi bằng cách đặt tính cách đó vào hiện thực. Và bị hiện thực vùi dập. Hiện thực khiến ông trở nên không hoàn hảo.
Trong nhiều hoàn cảnh, Diệp Vấn trở thành kẻ ngây thơ, thiếu thức thời, hoặc không đáng tin cậy. Ông giống như kẻ mộng mơ sống ở thế giới khác, không thể thấu hiểu được những người xung quanh. Ví dụ khi Diệp Vấn “thuyết giáo” cho Ba Béo bằng những lời lẽ khiến vị sư phụ cạnh bên ngưỡng mộ, nhưng không để tâm đến tình thế khó khăn của tay cảnh sát. Trong phim, điều đó luôn kết thúc bằng việc đẩy họ đến việc vùng lên làm điều đúng đắn, nhưng luôn phải trả giá đắt. Ngoài thực tế, mọi thứ có thể tàn nhẫn hơn. Ông là mẫu thần tượng để người khác nhìn vào và trầm trồ, yêu mến, nhưng không bao giờ là mẫu người lý tưởng để ở bên cạnh. Minh chứng rõ ràng nhất là vợ ông, Trương Vĩnh Thành.
Có thể nói, Ip Man 3 là phần phim dành để tôn vinh người phụ nữ của cuộc đời Diệp Vấn, là nhân vật đáng xem thứ hai trong cả loạt phim. Không phải võ thuật, mà tình cảm gia đình mới là chủ đề chính của phim, được thể hiện ngay cả ở nhân vật Frank của Mike Tyson. Ông ta đến bên gia đình mình và ôm cô con gái khi cuộc chiến kết thúc. Ông ta không phải gã xấu, dù làm chuyện xấu. Frank là kiểu đàn ông ban ngày chinh chiến với đời để tối về tìm thấy bình yên từ mái nhà nhỏ. Tuy nhiên, Diệp Vấn là trường hợp khác, một thiên tài mà trong suốt các phần phim, chúng ta phải tự hỏi gia đình và vợ con có phải là gánh nặng đè lên vai và cản lối ông hay không?
Vĩnh Thành, do nữ diễn viên Hùng Đại Lâm thủ vai, hẳn đã gây ấn tượng với nhiều người ngay từ lần đầu xuất hiện, bởi vẻ đẹp đài các của cô. Khi cả gia đình Diệp Vấn còn sống sung túc và được trọng vọng ở Phật Sơn. Dù không có chi tiết quá khứ, chúng ta vẫn luôn hình dung cuộc hôn nhân của hai người là sắp đặt. Diệp Vấn quá chuyên tâm vào võ thuật để có thể dành thời gian yêu đương. Còn Vĩnh Thành, mẫu phụ nữ truyền thống Á Đông đẹp người đẹp nết, được bố mẹ yên tâm gửi gắm cho nhà họ Diệp khi trưởng thành. Họ sống với nhau đúng với vai trò vợ chồng mà xã hội quanh họ qui định, không nồng nhiệt mà đầy nghĩa cử, tôn trọng.
Ip Man 3 xoáy sâu vào điều mà kịch bản các phần trước đó đã xây dựng cho Vĩnh Thành, mà chúng ta vốn ít để ý đến: cuộc sống người vợ của một thiên tài. Và không phải đến phần 3, chúng ta mới thấy rằng nó không hề dễ dàng, thậm chí khó khăn và cực khổ hơn hầu hết người bình thường. Nhưng đừng nhầm lẫn. Điều khó khăn nhất với cô không phải là hoàn cảnh sa sút của Diệp Vấn, từ giàu sang và có địa vị thành nghèo khổ không đủ miếng ăn, phải bôn ba cầu thực. Tính cách ngay thẳng của ông càng tăng thêm gánh nặng cho cô, Diệp Vấn không thể làm nghề nào khác ngoài dạy võ, vì ông không có khả năng làm gì khác. Bỏ đi tài đánh đấm, ông còn tệ hơn những người đàn ông bình thường ít ra biết tháo vát xoay sở. Khó khăn nhất với cô cũng chưa phải ở những giây phút hồi hộp, lo lắng chờ chồng trở về sau mỗi cuộc chiến, hoặc sợ hãi cho tính mạng con trai – điều diễn ra như cơm bữa. Mà là hoàn cảnh đau khổ nhất mà một người phụ nữ phải chịu đựng: giành giật chồng mình với người tình thứ ba. Người tình của ông, dĩ nhiên không phải cô gái xa lạ nào, mà là võ thuật.
Chất tình cảm phức tạp được xử lý khéo léo và xúc động của Ip Man 3 đủ sức mạnh để chúng ta có thể quên đi các khiếm khuyết khác. Đây là phần phim mà nội tâm của mỗi nhân vật được lột tả trọn vẹn nhất, tất nhiên, nhờ vào lớp nền tâm lý xuyên suốt vững chắc ngay từ đầu. Chúng ta hiểu vì sao mình yêu mến Diệp Vấn, ở cách ông xử sự khi lãnh cái tát nảy lửa của vợ. Sự nhẫn nhịn là tình yêu thương và nhân cách của ông, là cách ông chuộc lỗi vì không thể trở thành người chồng và người cha tốt (ngay cả đón con cũng không xong). Chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ bến Vĩnh Thành dành cho ông, một cách cay đắng. Cô không có được một cuộc sống nhiều hạnh phúc? Đúng thế. Nhưng bất hạnh? Có lẽ không. Cô may mắn hơn rất nhiều người, vì đã được ở bên cạnh người cô yêu và hiểu lý do cho tình yêu ấy.
Với đa số chúng ta, đây là một chuyện tình đẹp, bởi nó chạm đến tận cùng của sự chân thật. Trong khoảnh khắc cửa thang máy đóng lại, Vĩnh Thành hướng mắt về Diệp Vấn, nhìn thấy ánh mắt của ông đang hướng về đối thủ, như mọi lần. Đôi mắt của ông luôn hướng về những con người xa lạ ấy. Nhưng lần này, cô đã nhìn thấy đôi tay ông đang che chắn cho mình. Cô hiểu được nỗi khổ tâm của chồng suốt bao năm, phải đứng giữa trách nhiệm gia đình và tình yêu võ thuật. Vĩnh Thành đánh mất người cô yêu khi cố tách ông ra khỏi chính mình. Vịnh Xuân và Diệp Vấn là một. Người đàn ông và đam mê của họ là một. Tình yêu luôn là một tổng thể, và cho đến cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra yêu thực sự một người sẽ hoàn toàn là việc chấp nhận tổng thể về người ấy. Ip Man 3 có nhiều hơn hai khoảnh khắc lấy nước mắt. Khi Vĩnh Thành hỏi Diệp Vấn về việc chụp ảnh, và ông khóc. Khi Diệp Vấn trả lời câu hỏi liệu ông có nhận lời thách đấu nếu cô không bị bệnh. Họ làm tổn thương nhau, nhưng trong sự thành thật cảm động chân thành.
Chân Tử Đơn và Hùng Đại Lâm khiến cho những diễn viên còn lại không còn tồn tại mỗi khi xuất hiện. Diễn xuất giàu chiều sâu của họ là nguồn sống cho bộ phim này. Và nhờ đó, các cảnh hồi tưởng thực hiện được nhiệm vụ của chúng, là khơi gợi được hoài niệm, để khiến người xem nhớ lại hành trình đã qua và thấy nuối tiếc khi đến phút chia tay – khoảnh khắc chúng ta nhận ra, điều ở lại trong tâm trí không phải là các cảnh đánh đấm, kỹ xảo, hiệu ứng, mà là con người với tình cảm của họ. Đó là hồi kết đẹp nhất cho bất kỳ bộ phim hay thể loại nào.
(nguồn 35mm.vn)