Dù luôn miệng nói rằng mình không phải siêu anh hùng, và cả thế giới cũng gọi gã là “anti-hero” (phản anh hùng), Deadpool có một phẩm chất mà tất cả các siêu anh hùng đều có (trừ Người Nhện): luôn đến đúng thời điểm! Không phải thời điểm ra rạp đúng ngày lễ tình nhân 14/2 (phải nói rằng đội ngũ PR phim đã làm rất tốt công việc của họ), mà là thời điểm thế giới siêu anh hùng đang cần đến sự phá cách và hít thở không khí tự do, cần đến một chữ “R” được đặt trong hệ thống phân loại.
Hello World, Deadpool đã đến!
Thế giới siêu anh hùng chính thức thống trị phim chiếu rạp hơn 10 năm trước, từ dự án táo bạo “Vũ Trụ Điện Ảnh” của Marvel, giờ đang đi vào điểm cuối chu kỳ của nó. Minh chứng là “thất bại” của Avengers 2 mùa hè vừa qua. Tập hợp tham vọng của Marvel đã bị các đối thủ vượt mặt ở phòng vé, không phải một mà đến ba lần. Dù vẫn thu bộn tiền so với mặt bằng chung, nhưng việc đứng sau Furious 7, Jurasic World và Star Wars 7 chắc chắn nằm dưới kỳ vọng của chủ tịch Kevin Feige và ban lãnh đạo. Nhưng dấu hiệu đáng lo nhất lại nằm từ phản ứng của một bộ phận khán giả, không nhỏ. Họ tỏ ra thất vọng với lựa chọn an toàn của hãng, khi không dám đào sâu hơn vào mặt tối tăm của các siêu anh hùng.
Deadpool, một nhân vật có nguồn cội từ Marvel nhưng đã đầu quân cho Fox, chính là hình ảnh phản chiếu cho ước muốn đó. Như các nhân vật Marvel trước, tên thật là Wade Wilson (Ryan Reynold), rất ít người biết đến Deadpool trước khi lên màn ảnh. Wilson làm nghề đánh thuê cho một quán café săn tiền thưởng, được điều hành bởi chiến hữu Weasel (t. J. Miller). Ở đó, gã gặp gỡ và đem lòng yêu cô gái làng chơi Vanessa (Morena Baccarin). Cốt truyện chuyển sang hơi“Hàn hóa” khi vào đêm nọ, Wilson phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng đây là phim siêu anh hùng, không phải drama Kim Chi! Thay vì chịu chết, Wilson nhận được lời mời của một đặc vụ bí ẩn tham gia vào chương trính thí nghiệm “ngầm”. Không có lựa chọn, gã rời khỏi Vanessa để dấn thân vào hành trình sẽ biến mình thành Deadpool, siêu anh hùng nói nhiều, mất nết, tưng tửng chưa từng có trong lịch sử.
Điều đầu tiên, và xứng đáng dành một tràng pháo tay cho đội ngũ của đạo diễn Tim Miller, là ở việc họ đã dám “chơi tới cùng” với bộ phim này. Chắc chắn phải tốn rất nhiều công sức, họ đã tạo ra một Deadpool đúng theo tinh thần comic như mọi người chờ đợi. “Đây là một bộ phim phóng túng, được làm từ những người phóng túng,” Miller như muốn nói thế ngay từ cảnh giới thiệu sáng tạo đầu tiên. Tôi không rõ lắm, nhưng khá gợi nhớ đến đoạn giới thiệu của Watchmen, từ phong cách đến chất nhạc (bản Angel Of The Morning của Juice Newton). Đó cũng là khởi đầu cho vô vàn màn giễu nhại hoặc liên hệ đến các hiện tượng văn hóa đại chúng. Từ những bộ phim nổi tiếng (Taken, Star Wars, The Godfather, Rambo, Alien…) đến các nhân vật trong gia đình Marvel và X-men (Wolverine, Green Lantern, Spider Man…). Một số sẽ khá khó hiểu với khán giả Việt Nam. Còn đối với các fan gạo cội của điện ảnh nói chung, và các siêu anh hùng comic nói riêng, Deadpool là bài test kiến thức thú vị và hài hước nhất họ từng tham gia. Sẽ không lạ lùng nếu trong rạp chiếu bóng có những người bật cười sặc sụa ở cảnh nào đó, trong khi phần lớn thì lặng im.
Có một kiến thức phải biết để trải nghiệm về Deadpool trọn vẹn nhất, được chính Wilson nhắc đến trong một câu thoại về “bức tường thứ 4”. Đây là một thuật ngữ dùng trong kịch nghệ, cho rằng ngoài ba bức tường vật lý trong khán phòng còn có bức tường thứ 4 vô hình ngăn cách giữa khán giả và diễn viên, phân tách thế giới của họ. Deadpool là nhân vật hiếm hoi “phá vỡ” được bức tường này, nghĩa là gã ta biết mình chỉ là nhân vật truyện tranh, hay phim ảnh. Thậm chí trong một tập truyện, gã còn du hành đến vũ trụ song song, gặp gỡ tác giả, giết chết tất cả các siêu anh hùng trong đó có chính mình. Nếu không hiểu và không quen thuộc, người xem có thể thấy khó hiểu khi thỉnh thoảng Deadpool quay về phía màn hình và “nói với mình”. Trong một cảnh khác, gã lại có thể điều chỉnh hướng máy quay để tránh “cảnh bạo lực.” Và nếu chịu khó chờ đến hết Credit, bạn có thể thấy gã ta khuyên bảo cả người xem trong rạp chiếu bóng.
Đó là tiền đề thú vị và vô cùng tự do để Tim Miller, trong bộ phim đầu tay của mình, thoải mái đẩy các giới hạn về sáng tạo và hài hước đi xa. Đúng như màn giới thiệu “giả” ở đầu phim, do chính Deadpool viết nên, những “người hùng thật sự” là các biên kịch Rhett Reese và Paul Wernick. Họ chắn hẳn đã phải đầu tư rất nhiều chất xám cho phần lời thoại phong phú trong phim, một quá trình chẳng dễ dàng như khi người xem tiếp nhận chúng với nụ cười sảng khoái trong rạp, răng còn dính vụn bỏng ngô. Lựa chọn âm nhạc hoài cổ của Miller cũng rất đáng giá, ai có thể tưởng tượng sẽ nghe Wham và Careless Whisper trong phim siêu anh hùng? Ông còn biết cách kết hợp chúng nhuần nhuyễn với các ca khúc sôi động đã gây sốt từ trailer, như Shoop hay X Won’t Give It To You. Với tôi, riêng phần nhạc của Deadpool đã ăn đứt một bộ phim có cùng lựa chọn xưa cũ khác là Guardian Of The Galaxy (2014).
Ngoài chất hài và nhạc phim, các màn hành động dù qui mô khiêm tốn hơn, vẫn được Tim Miller xử lý rất tốt. Rõ ràng phải nhắc đến kinh phí để những người chưa biết phải thán phục, Deadpool chỉ có vỏn vẹn 58 triệu đôla tiền sản xuất. Còn thua xa một phim hành động trung bình ở Hollywood, chứ chưa nói đến bom tấn. 58 triệu, nghĩa là thua cả những bom xịt chẳng có chút ấn tượng nào về kỹ xảo hay hành động năm ngoái như Terminator: Genysis (170 triệu), Fantastic Four (122 triệu), The Last Witch Hunger (90 triệu)… Một phim hài của Adam Sandler là Pixels còn ngốn nhiều tiền hơn (88 triệu), và chỉ hơn đôi chút các đạo cụ giường chiếu trong 50 Shades Of Grey (40 triệu). Rõ ràng Fox không muốn mạo hiểm chơi liều với bộ phim này. Vì thế chúng ta có thể thông cảm nếu mâu thuẫn chính của phim không được đồ sộ hay phức tạp như nên có, cảnh cao trào cuối không quá hoành tráng máu lửa, và về tổng thể tạo cảm giác là một màn giới thiệu về Deadpool, hơn là bộ phim hoàn chỉnh về Deadpool. Nhưng rõ ràng, những gì Miller mang đến là quá đủ: một hành trình giải trí vui nhộn và thoải mái, đã tai, đã mắt, đã “miệng”, và một nhân vật độc đáo sẽ còn được nhắc đến như một hiện tượng trong thời gian dài.
Deadpool chắc chắn là vai diễn bước ngoặt trong sự nghiệp của Ryan Reynold, theo cách khó ai ngờ tới. Tài tử người Canada này vẫn là “ca khó” của Hollywood từ nhiều năm nay. Sở hữu gần như tất cả các tố chất từ bề ngoài điển trai đến diễn xuất, nhưng mãi mà Reynold chưa thể bước vào danh sách hạng A. Dù anh đã chịu khó thử rất nhiều thể loại, từ hài lãng mạn đến siêu anh hùng (sắm chính vai Deadpool phiên bản nhàm chán trong bộ phim nhàm chán Wolverine, và người hùng “trang phục đồ họa” Green Lantern). Lý do có thể do gương mặt, và cả khí chất của Reynold quá “hiền”, thiếu một chút phong trần nam tính để gồng gánh các loạt phim. Cách giải quyết hóa ra đơn giản là đeo vào một chiếc mặt nạ. Và thay vì cố hoạt động cơ bắp, Reynold chỉ cần hoạt động cơ miệng, luyện tập biểu cảm giọng nói. Khi phải chường dung nhan, vẻ mặt phớt tỉnh của anh lại phù hợp hoàn hảo với tính cách tưng tửng của Wilson. Reynold có nói trong một cuộc phỏng vấn sau công chiếu là “sẽ không đóng bất kỳ anh hùng nào khác đến hết đời, ngoài Deadpool.” Đó là lựa chọn khôn ngoan, vì có lẽ anh đóng siêu anh hùng nào khác cũng đều ra Green Lantern cả thôi. Ngoài ra, bộ phim này còn là bệ phóng cho hai nhân vật ngộ nghĩnh khác là Negasonic Teenage Warhead (Brianna Hildebrand) và Colossus (Stefan Kapicic). Và tất nhiên, “Copycat” Vannessa do nữ diễn viên người Brazil Morena Baccarin thủ vai. Mong rằng họ sẽ có nhiều đất diễn hơn ở phần sau.
Cuối cùng, có thể Deadpool sẽ nhen nhóm hi vọng về sự thay đổi cho thế giới siêu anh hùng đang dần trở nên công thức và nhàm chán. Gã đánh thuê vừa vượt qua chàng Neo của Matrix (92 triệu) để trở thành phim R (cấm người dưới 17 tuổi) có doanh thu cao nhất mọi thời đại khu vực Bắc Mỹ, hiện tại đã lên đến 150 triệu (ngày 16/2). Những con số choáng váng này có nhiều ý nghĩa hơn chúng ta nghĩ. Lợi ích nhất là việc Fox sẽ sẵn sàng dốc túi cho Miller thoải mái sáng tạo với phần 2, cộng với khả năng “ghép” Deadpool vào thế giới X-men đang rất rộng mở. Còn đáng giá không kém, là việc các nhà sản xuất sẽ phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về việc làm phim nhãn R, cụ thể hơn là các phim siêu anh hùng – lãnh địa đang bị ghẻ lạnh. Không chỉ ở các cảnh máu me hay tục tĩu, điều khán giả Việt chưa thật sự cảm nhận đầy đủ nhất bởi bản phim bị cắt xén, mà còn là ở cách thể hiện các nội dung thật sự có sức nặng. Những bộ phim như Watchmen của Zack Snyder dạo nào.
Thậm chí chưa cần sâu sắc và phức tạp đến mức Watchmen, chỉ cần không còn các tình tiết phì cười như cả thành phố bay trên trời bắn giết tưng bừng mà không người dân nào mất mạng (trừ một anh chàng, nhưng không phải bị đạn giết, mà hợp đồng giết) là đã đáng mừng. Xin lỗi vì spoiler, nhưng hãy xem sự thích thú của khán giả khi Deadpool kết liễu hàng chục tên, và cả tên phản diện chính trong lời thuyết giáo của Colossus, để thấy họ đang cần những làn gió mới đến mức nào. Họ cần sự phá cách và tự do, cần đến những cá tính đặc biệt như thế nào. Vấn đề là Marvel, và các hãng phim khác, có dám “đánh cược với tử thần” như Fox đã làm hay không.
(nguồn: http://35mm.vn)