Đối thủ đáng sợ nhất của chàng Nhện nhọ trên màn ảnh là ai? Doctor Octopus ư, khá ngầu đấy, nhưng vẫn thiếu chút độ thâm hiểm. Gã quái nhân Electro hay Lizard trong comic cũng từng nhiều lần gây khó dễ cho Người Nhện, tuy nhiên ở phiên bản điện ảnh thì cả hai ác nhân này chưa thực sự đạt độ nguy hiểm tối đa.
Thôi nào, thật ra đến đây thì đáp án gần như được lòng số đông nhất dĩ nhiên phải là Green Goblin – tên Yêu Tinh Xanh ẩn trong hình hài của Norman Osborn, và không thể thiếu sự hóa thân trọn vẹn đầy ngoạn mục của Willem Dafoe.
Sinh năm 1955, bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ sau khi tốt nghiệp trung học. Willem Dafoe đã dành hơn 4 năm tại Theatre X để nghiên cứu chuyên sâu về kỹ năng diễn xuất, đồng thời cũng trau dồi thêm kinh nghiệm bằng việc đi diễn kịch ở các vùng tiểu bang khắp nước Mỹ và khu vực Châu Âu. Nhờ vào những năm tháng thuở đầu ấy, đã giúp ông có khả năng cảm thụ nhân vật cực tốt, cộng với chất giọng thiên phú cùng cách nhả thoại đi kèm đài từ điêu luyện, Willem Dafoe dễ dàng gây ấn tượng bằng việc bộc lộ biểu cảm khắc họa tính cách nhân vật chỉ bằng giọng nói.
Đam mê nghệ thuật diễn xuất, năm 1977 Dafoe cùng vài người khác cho ra đời The Wooster Group, một nhà hát kịch có trụ sở tại New York. Ông đã làm việc miệt mài, dành trọn tình yêu với sân khấu đến 2005 mới chính thức dừng công việc ấy lại.
Ở tư cách là một diễn viên điện ảnh, Willem Dafoe bắt đầu sự nghiệp vào năm 1979. Sau vài tựa phim khởi đầu, ông được nhiều nhà sản xuất lựa chọn vào vai phản diện bởi gương mặt gai góc đặc trưng và ánh mắt sắc lạnh.
Cái tên Willem Dafoe chính thức được chú ý vào năm 1985 khi ông tham gia To Live And Die In L.A. Ngoài việc mang trong mình một kịch bản hấp dẫn, phong cách dàn dựng hành động kịch tính của đạo diễn William Friedkrin và tài diễn xuất của William Petersen lẫn Willem Dafoe đã giúp tác phẩm nhận vô số lời khen khi ra mắt tại các rạp chiếu phim.
Nhà phê bình quá cố Roger Ebert đã chấm To Live And Die In L.A với số điểm tối đa 4 sao. Phần trình diễn của Willem Dafoe khi lần đầu tiên đóng vai chính đã chứng minh việc ông bỏ thời gian rèn luyện kỹ thuật diễn xuất không hề lãng phí.
Một năm sau, Willem Dafoe cộng tác với đạo diễn lừng danh Oliver Stone qua Platoon, một trong những phim hay nhất lấy đề tài Chiến Tranh Việt Nam. Nhân vật trung sĩ Elias giúp Dafoe có trong tay đề cử Oscar đầu tiên cho hạng mục Nam Phụ Xuất Sắc Nhất, đáng tiếc năm đấy ông đã bị huyền thoại gạo cội người Anh Michael Caine đánh bại.
Sang năm 1988, Willem Dafoe tiếp tục đóng chính trong dự án gây tranh cãi của nhà làm phim Martin Scorsese - The Last Temptation Of Christ. Ông đóng vai Chúa Jesus và đối mặt với những cám dỗ vật chất nhục dục trong tâm trí ảo mộng. Tuy chứa đựng nhiều chi tiết mang tính chất có phần phỉ báng, nhưng phim mang về cho Martin Scorsese đề cử Oscar Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất. Tài năng của Willem Dafoe chính thức được công nhận, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng ông cũng được xem là một diễn viên giỏi.
Có lẽ thập niên 90 là khoảng lặng của nam diễn viên, khi ông gần như không tạo được nhiều dấu ấn cá nhân.
Ông tái hợp với tài từ Johnny Depp vào năm 1990 trong bộ phim hài Cry Baby. Cũng trong năm này, Willem Dafoe cộng tác cùng Laura Dern và Nicolas Cage trong Wild At Heart của David Lynch, phim mang hơi hướng black comedy. Kẻ xấu Bobby của Dafoe trong Wild At Heart có tạo hình khá ghê sợ, nhưng lại giúp ông nhận nhiều lời khen như để khẳng định rằng Willem Dafoe thực sự là bậc thầy chuyên trị tuýp vai phản diện.
Ngoài tập trung cho các công việc cá nhân, xuyên suốt những năm 90 Willem Dafoe còn tham gia các tác phẩm như Body Of Evidence, The English Patient, Speed II: Cruise Control, New Rose Hotel, The Boondock Saints…
Năm 2000, lại một lần nữa Dafoe nhận đề cử Oscar thứ 2 cho vai diễn trong Shadow Of The Vampire. Phim nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình, sự thể hiện của Willem Dafoe được xem điểm sáng gây bất ngờ.
Shadow Of The Vampire do Nicolas Cage sản xuất, ngoài Willem Dafoe phim còn có sự góp mặt của John Malkovich. Cả 2 diễn viên này đều từng hợp tác với Cage (đối với Malkovich là trong Con Air (1997), còn Dafoe là Wild At Heart).
Tất nhiên trong thập kỷ 2000s thì không thể bỏ qua vai ác nhân để đời của Willem Dafoe – Yêu Tinh Xanh Green Goblin trong Spider-Man (2002).
Được đạo diễn bởi bậc thầy kinh dị Sam Raimi, bộ ba phim về Người Nhện của ông ngoài những màn chiến đấu đỉnh cao, còn giới thiệu cho thế giới hình ảnh của một siêu anh hùng thuộc kỷ nguyên mới với những pha đu tơ ngoạn mục. Tất cả những gì về phiên bản Spider-Man của Sam Raimi đều trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều người, ngoài ra còn truyền cảm hứng cho những bộ phim sau này với cùng đề tài.
Sam Raimi cài cắm yếu tố kinh dị vào mỗi cảnh Green Goblin xuất hiện, từ giọng nói đậm chất ác nhân, điệu cười chết chóc và sự điên loạn của Willem Dafoe khi vào vai Green Goblin đã hoàn hảo đến mức gần như không ai thay thế được.
Trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, Willem Dafoe đều nhận được đề cử Oscar, đặc biệt là ông lần đầu có tên ở hạng mục Nam Chính Xuất Sắc vào năm 2019 nhờ vai diễn Vincent Van Gogh trong At Enternity’s Gate.
Khi dự án Spider-Man: No Way Home của Marvel khởi động, một lần nữa Willem Dafoe được trao trọn niềm tin khi tái hiện nhân vật Green Goblin. Sau gần 20 năm, nhân vật Yêu Tinh xanh vẫn gây khiếp đảm cho Người Nhện, vẫn mang đến ám ảnh cho bất kỳ khán giả nào.
Tuy gần như “đóng đinh” với Green Goblin, không vì thế mà tài năng của Willem Dafoe bị phai mờ. Ông vẫn chứng tỏ mình là một diễn viên kiệt xuất, dù là với phim đậm tính nghệ thuật như The Lighthouse (2019) hay bom tấn giải trí Aquaman (2018), Dafoe luôn tỏa sáng ở bất kỳ vai diễn nào. Willem Dafoe đến giờ xứng đáng được xem là một cây đại thụ trong ngành công nghiệp phim ảnh và cũng nằm trong hàng ngũ những diễn viên vĩ đại nhất.