Daniel Day-Lewis

  • 2954

Sở hữu ba tượng vàng Oscar, kỳ tích mà Daniel Day-Lewis lập nên đã đưa ông trở thành một trong những diễn viên hay nhất, thậm chí ông xứng đáng được lưu danh với tư cách là huyền thoại điện ảnh vĩ đại nhất.

Ngày sinh : 29/4/1957

Chiều cao: 187cm cm

Quốc tịch: Anh

Tiểu sử

Lịch sử điện ảnh đã ghi tên rất nhiều diễn viên tài năng xuất chúng, có những người mà tên tuổi đã trở thành bất tử chỉ qua các vai diễn mang tính biểu tượng. Trong số đấy, Daniel Day-Lewis là một nhân tố đặc biệt nhất, điều ấy đến từ chính tính cách có phần “lập dị” của ông, từ cách nhập vai thần sầu đến mức “hành xác”. Trên tất cả, cho đến nay Daniel Day-Lewis là người duy nhất ba lần đoạt giải Oscar ở hạng mục Nam Chính Xuất Sắc Nhất.

Bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ năm 1971, tính đến khi Phantom Thread (2017)  - bộ phim cuối cùng Daniel Day-Lewis tham gia trước khi giải nghệ, thì ông chỉ tham gia chưa đến 30 tác phẩm, bao gồm cả điện ảnh và truyền hình.

Sở hữu ba tượng vàng Oscar, kỳ tích mà Daniel Day-Lewis lập nên đã đưa ông trở thành một trong những diễn viên hay nhất, thậm chí tên ông hoàn toàn xứng đáng nằm ở vị trí quán quân.

Bắt đầu với nghiệp diễn từ việc được đào tạo chính thống theo trường phái sân khấu cổ điển tại Anh, nhưng bản thân Daniel Day-Lewis lại có niềm đam mê với lối diễn Method Acting của Mỹ. Chứng kiến sự “lột xác” điên rồ ở Robert De Niro khi nhập vai Travis Bickle trong bộ phim kinh điển Taxi Driver (1976), đã khiến ông quyết tâm trở thành một Method Actor.

Cả thế giới đã từng sửng sốt kinh ngạc khi Marlon Brando lần đầu giới thiệu phong cách diễn Method Acting trứ danh của mình qua tác phẩm A Streetcar Named Desire, ra mắt tại các rạp chiếu phim vào năm 1951. Kể từ đó, thế hệ hậu bối như Dustin Hoffman, Jack Nicholson, Robert De Niro, Al Pacino…, đã tiếp thu Method Acting và dùng nó để tung hoành khắp thập niên 70-80. Sang đến các giai đoạn sau, những Christian Bale, Heath Ledger hoặc Joaquin Phoenix vẫn chọn phô diễn tài năng bằng lối diễn nhập tâm ấy.

Daniel Day-Lewis cũng được công nhận là một Method Actor, ở một góc độ nào đó ông còn có thể xem là tín đồ cuồng đạo với cách diễn “thoát hồn” hoàn toàn, dựa trên kỹ thuật Method Acting.

Hành trình nhập vai nghiêm khắc đến mức khốc liệt của Day-Lewis đã trở thành những giai thoại mà bất cứ ai nghe xong cũng phải khiếp sợ, và cảm phục tinh thần làm việc vì đam mê của ông.

Giải Oscar của Daniel Day-Lewis được trao lần đầu vào năm 1989 với phim My Left Foot, khi ấy ông đóng vai một nhà văn kiêm họa sĩ bị chứng liệt não, chỉ có thể sử dụng duy nhất cái chân trái của mình. Để đảm bảo tâm lý lúc nào cũng ở trong trạng thái nhập vai tốt nhất, ngoài việc tập nói như bị ngọng, Daniel Day-Lewis quyết định không thoát vai. Khi ở phim trường, mỗi lần hoàn thành xong cảnh quay, Day-Lewis vẫn ngồi yên trên xe lăn để sinh hoạt. Ông nhờ người của đoàn làm phim hỗ trợ từ ăn uống cho đến đi vệ sinh. Chính tư duy quái đản này đã khiến ông chấn thương do tư thế ngồi gập người trên xe lăn quá lâu.

Trong lần thứ hai đăng quang Nam Chính Xuất Sắc năm 2008 qua vai diễn Daniel Plainview trong bộ phim There Will Be Blood, Daniel Day-Lewis lại “hô biến” bản thân thành một gã tư bản tàn ác. Sự hung tợn như “cô hồn” của ông trên trường quay đã khiến nhiều diễn viên và người trong đoàn làm phim sợ hãi. Day-Lewis cũng hạn chế nói chuyện phiếm hằng ngày, nhằm giữ vững tâm lý nhân vật. Nam diễn viên Paul Dano chia sẻ mình gần như bị thương nặng khi ở một cảnh cao trào, Day-Lewis đã đánh anh tới tấp bằng những quả bowling, một trải nghiệm kinh hoàng.

Khi tham gia Lincoln (2012) của đạo diễn Steven Spielberg, để có thể chuyên tâm nghiên cứu thật kỹ về vị Tổng thống đáng kính, Daniel Day-Lewis đã yêu cầu cho ông thời gian một năm để có thể “ngấm” và hiểu rõ nhân vật mình sắp đảm nhận trong phim mới. Suốt thời điểm ấy, Day-Lewis liên tục đọc những quyển sách viết về Lincoln, tìm hiểu lối nói chuyện cũng như chất giọng và trao đổi với chuyên gia hóa trang, để giúp ông có ngoại hình thật hoàn hảo nhất gần giống với Tổng thống Lincoln. Steven Spielberg cũng nói rằng mỗi lúc ông cùng nam diễn viên nhắn tin thảo luận, cuối mỗi tin đều có dòng chữ ký theo ký hiệu của Lincoln. Trong quá trình làm phim, bất cứ khi nào những người xung quanh trông thấy Day-Lewis đều phải gọi ông là Ngài Tổng Thống. Chính nhờ tâm huyết, sự chuyên nghiệp và tập trung đến mức cực đoan ấy đã giúp Daniel Day-Lewis giành được giải Oscar thứ ba trong sự nghiệp.

Hiển nhiên, sau mỗi một lần “lên đồng” như thế, Day-Lewis sẽ tạm “bế quan” khá lâu để có thể thoát ra khỏi vai diễn. Vị hiệp sĩ ấy lại quay về với cuộc sống bình thường, làm những công việc giản dị. Đến khi cảm thấy sẵn sàng, ông lại xuất hiện và đón nhận kịch bản mới.

Mặc dù đã tuyên bố giã từ sự nghiệp từ sau tác phẩm Phantom Thread, nhưng thành tựu mà Daniel Day-Lewis làm được sẽ mãi là câu chuyện truyền cảm hứng cho các lớp diễn viên trẻ mai sau. Thế giới vẫn luôn nhớ về người đã nâng tầm nghệ thuật diễn xuất lên mức đỉnh cao. Trong tương lai, đâu đó vẫn có thể sẽ có lúc xuất hiện một nhân tài phá vỡ giới hạn mà ông đặt ra. Nhưng dù có là gì đi nữa, cái tên Daniel Day-Lewis vẫn mãi lưu danh với tư cách là huyền thoại điện ảnh vĩ đại nhất.

Bài viết liên quan