[Review] Bố Già: Chất Lượng Ra Sao Mà Khiến Khán Giả Khóc "Ngập Rạp"?

  • {{ item.point | number : 1 }}/10 

Tên tuổi của Trấn Thành cũng như thành công nổi bật của Bố Già phiên bản web drama đã tạo ra bệ phóng rất tốt cho bộ phim khi tiến lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, để có thể một lần nữa gặt hái thành công và đi được đường dài, Bố Già chỉ có thể dựa vào chính thực lực của bản thân. 

Vậy Bố Già bản điện ảnh là tác phẩm có chất lượng như thế nào?

Trước hết phải khẳng định rằng, ngoại trừ tựa phim thì câu chuyện cũng như các tuyến nhân vật mà Bố Già bản điện ảnh mang đến cho người xem hoàn toàn khác biệt so với bản phim chiếu mạng.

Theo đó, phim lấy bối cảnh tại một con hẻm nhỏ giữa thành phố Sài Gòn rộng lớn – nơi có ba bố con ông Sang (Trấn Thành) và người thân của ông cùng sinh sống. Mặc dù có cuộc sống không giàu sang, lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” nhưng ông Sang rất lạc quan, thích giúp đỡ mọi người xung quanh và đặc biệt luôn cố gắng kết nối, hàn gắn mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. 

Tuy nhiên, lòng tốt không phải lúc nào cũng được báo đáp xứng đáng. Cũng chính điều này đã tạo nên mâu thuẫn giữa ông Sang và con trai. Để rồi đến khi những biến cố xảy ra, lúc này, giá trị thiêng liêng của gia đình – người thân mới thực sự phát huy tác dụng… 

 

Về chất lượng, Bố Già không có cốt truyện chính nhưng vẫn đủ sức thu hút sự chú ý của người xem từ đầu đến cuối vì nó như đang kể về câu chuyện của mọi gia đình Việt Nam. Có câu nói rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng tựu chung lại, hầu như gia đình nào cũng sẽ có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, có những lúc anh – em tranh chấp, cha – con bất hòa… Thế nhưng sau tất cả, mọi người vẫn ngồi lại với nhau, cùng nhau đương đầu và bước qua mọi khó khăn vì lẽ dĩ nhiên, họ được kết nối bởi một thứ vô cùng mạnh mẽ - huyết thống. Đó cũng là những điều đã được khắc họa trong Bố Già.

Tất nhiên, nội dung thôi chưa đủ để khiến bộ phim trở nên hấp dẫn, một phần quan trọng còn thuộc về cách nó được diễn giải trước người xem như thế nào nữa?

Bố Già là tác phẩm cân bằng được cả hai yếu tố hài và bi kịch. Khi mà bạn tưởng chừng như không có gì có thể khiến bạn ngưng nức nở thì rất nhanh thôi, chỉ số “mood” của bạn sẽ được kéo “banh nóc”. Các miếng hài hước được sử dụng, sắp xếp trong phim khá thú vị và khéo léo. Đặc biệt sẽ có những màn đối thoại, tranh cãi được xây dựng rất “kịch tính” – mang đến cảm giác phấn khích, kích thích cho khán giả như đang theo dõi một bộ phim hành động vậy. 

Về diễn xuất, dàn diễn viên từ chính đến phụ đều ghi được dấu ấn của riêng họ. Tương tác giữa Trấn Thành và Tuấn Trần khá tự nhiên và chân thật. So với thời điểm tham gia Sắc Đẹp Dối Trá, dù ngôn ngữ hình thể vẫn chưa thực sự thuần thục nhưng xét một cách tổng thể thì Tuấn Trần đã có nhiều tiến bộ về khả năng biểu cảm, đài từ. Trong khi đó, màn hóa thân của nghệ sĩ Lê Giang chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều bởi sự duyên dáng, hài hước vừa đủ mà không quá lố. 

Còn với Trấn Thành, nhân vật ba Sang của anh thực sự đã chạm đến trái tim của người xem. Ở ông Sang hội tụ hầu hết mọi điều có thể khiến chúng ta nhìn thấy và nhớ về bố mẹ của mình. Mặc dù vậy, ở một số phân đoạn Trấn Thành vẫn chưa thoát khỏi lối diễn kịch.

 

Bên cạnh những ưu điểm, Bố Già vẫn mắc phải các hạn chế như: một số phân đoạn còn thừa có thể cắt bỏ, việc lựa chọn bối cảnh và âm nhạc vẫn chưa thực sự hợp lý, lời thoại còn nhiều lý thuyết… Tuy nhiên, nhờ quá trình nuôi dưỡng mạch cảm xúc từ đầu phim rất hiệu quả nên đến cuối cùng, nó đã bù đắp được những lỗ hỏng, khiến người xem có thể bỏ qua các sai sót và tiếp tục chìm đắm vào câu chuyện…

Tựu chung lại, phim đang chiếu Bố Già là tác phẩm hoàn toàn có thể khiến bạn cảm thấy hài lòng sau khi ra khỏi rạp. Đặc biệt đây chắc chắn là lựa chọn vô cùng thích hợp cho đối tượng khán giả nhóm gia đình. Vậy thì còn chờ gì nữa, ra rạp ngay để thưởng thức bộ phim hay này thôi nào.

Bố Già chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 12.3.2021.

Bài viết liên quan

Bình luận phim